Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, xu hướng sử dụng BTCL trong các lò luyện kim, lò nung từ lâu đã rất phổ biến trên thế giới, và tại Việt Nam trong những năm gần đây. Trong sản xuất BTCL, xi măng cao alumin là chất liên kết được dùng nhiều nhất. Tuy nhiên, xi măng cao alumin chứa thành phần CaO có xu hướng tạo thành các hợp chất có nhiệt độ nóng chảy thấp như C2AS, CAS2…, những pha này sẽ làm giảm độ chịu lửa, giảm độ bền hóa học cũng như giảm tuổi thọ của vật liệu chịu lửa, vì vậy phải giảm lượng CaO có trong thành phần của BTCL. Ưu điểm của của BTCL không xi măng (dựa trên liên kết rho- alumina – tên thương phẩm là alphabond 300) so với BTCL ít xi măng là công nghệ chế tạo đơn giản, thời gian sử dụng của vật liệu này tăng, tính chất cơ nhiệt tốt như tăng nhiệt độ biến dạng dưới tải trọng và tăng độ bền uốn nóng ở nhiệt độ cao. Đề tài nhằm mục đích chủ yếu là nghiên cứu, nắm bắt công nghệ đã có trên thế giới để triển khai thành công trong điều kiện thực tế của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tham khảo hơn 30 tài liệu trong và ngoài nước; khai thác, ứng dụng tối đa các thông tin chính xác và kinh nghiệm thực tiễn thu thập được trong quá trình tìm hiểu, tiếp xúc, trao đổi với các đồng nghiệp nghiên cứu - sản xuất VLCL ở Việt Nam và trên thế giới; từ đó tổ chức kiểm nghiệm lại trong điều kiện thực tế Việt Nam để xác lập công nghệ, điều chỉnh dây chuyền, bổ sung những yếu tố cần thiết nhằm triển khai tự chế tạo sản phẩm cho thị trường thay thế hàng nhập khẩu. Nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công BTCL không xi măng ứng dụng thử vào thực tế và cho các kết quả thử nghiệm rất khả quan: sản phẩm không mài mòn, bong tróc, nứt vỡ…được nhà sản xuất đánh giá cao. Chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm đề tài đáp ứng yêu cầu đặt ra và cho kết quả cơ tính rất cao (độ bền uốn nóng, cường độ nén nguội sau sấy, độ co nung, nhiệt độ biến dạng dưới tải trọng…đều tương đương với sản phẩm nước ngoài). Ngoài ra, nhóm còn xác lập được thông số công nghệ chế tạo và xây dựng thành công quy trình sản xuất BTCL không xi măng ở quy mô công nghiệp; xây dựng quy trình hướng dẫn thi công BTCL.
Các báo cáo phản biện và ý kiến của các thành viên Hội đồng đều đánh giá rất cao tính kinh tế và tính thực tiễn của đề tài, ghi nhận những nỗ lực của nhóm nghiên cứu để hoàn thành tốt một đề tài khoa học cấp Bộ. Các thành viên Hội đồng đã đóng góp một số ý kiến về câu chữ, bố cục nội dung và trình bày để nhóm tác giả bổ sung hoàn thiện đề tài. Hội đồng cũng đề xuất cần nghiên cứu sâu hơn quy trình sản xuất BTCL để phần hướng dẫn dễ hiểu, có chiều sâu nghiên cứu và đầu tư; bổ sung nghiên cứu sự biến đổi cơ lý của sản phẩm trong các điều kiện nhiệt độ khác nhau ( tới mức tối đa)...
Kết luận cuộc họp, ThS.Trần Đình Thái bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến của thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm tác giả tiếp thu hoàn thiện đề tài trong thời gian sớm nhất.
Đề tài đã đựơc nghiệm thu với kết quả Xuất sắc.
Lệ Minh