Hội nghị đô thị Việt Nam 2012 là hoạt động kỷ niệm ngày Đô thị Việt Nam (8/11), cũng là dịp Hội nghị Thường niên của Liên minh Các Đô thị Thế giới, được tổ chức nhằm mục tiêu hỗ trợ Diễn đàn Đô thị Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế trong xu thế hội nhập, tạo cơ hội cho các đối tác trong và ngoài nước đóng góp xây dựng cho tương lai của các đô thị Việt Nam tốt đẹp hơn. Hội nghị có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan Trung ương, các chính quyền địa phương và nhiều tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế cùng chia sẻ ý tưởng và những hành động thiết thực để giải quyết những thách thức của đô thị Việt Nam hiện nay, hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Trong phiên khai mạc Hội nghị, buổi sáng 30/10, Hội nghị đã nghe bài phát biểu tham luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về phát triển thủ đô Hà Nội và đề xuất những hành động cấp bách đối với công tác quản lý phát triển các đô thị lớn của Việt Nam; Báo cáo hoạt động của Diễn đàn Đô thị Việt Nam và định hướng phát triển do Bà Đỗ Tú Lan - Tổng Thư ký Diễn đàn Đô thị Việt Nam trình bày; Các bài phát biểu của đại diện WB, Điều phối viên Liên Hợp quốc, UN - Habitat.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được nhiều không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu sống và làm việc của cư dân đô thị. Tính đến tháng 9/2012, Việt Nam có khoảng trên 760 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 31%, dự báo khoảng 45% trong 10 năm tới. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp từ 70-75% GDP của Việt Nam, và đã khẳng định được vai trò động lực trong phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh các đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là việc ứng phó có hiệu quả trước các tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường... đó là những thách thức gay gắt mà các đô thị Việt Nam phải giải quyết trong quá trình phát triển theo hướng bền vững.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, về định hướng phát triển, Việt Nam luôn chủ trương phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới, có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế và tạo sự liên kết giữa các vùng. Mục tiêu phát triển được đặt ra là từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bổ hợp lý trên các vùng, chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, là cơ quan được Chính phủ giao phụ trách lĩnh vực phát triển đô thị, đồng thời với vai trò là cơ quan thường trực của Diễn đàn Đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chiến lược, văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển đô thị, chú trọng nâng cao vai trò của chính quyền trong quản lý phát triển đô thị cũng như cơ chế huy động đa nguồn lực cho phát triển đô thị.
Trong phiên buổi chiều ngày 30/20, Diễn đàn Đô thị tiếp tục làm việc với 03 phiên thảo luận về: Phát triển thành phố sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; Vai trò và năng lực của chính quyền địa phương trong quản lý phát triển đô thị; Cạnh tranh lành mạnh, huy động đa nguồn lực cho phát triển và nâng cấp đô thị./.
Minh Tuấn