Một số kết quả chủ yếu về SXKD, đầu tư phát triển tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2012 của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng và kết quả thực hiện NQ số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ

Thứ sáu, 01/06/2012 18:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2012Năm 2012, tiếp tục là một năm khó khăn của các doanh nghiệp ngành Xây dựng, lãi suất ngân hàng đã giảm nhẹ những vẫn ở mức cao gây không ít khó khăn trong việc đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư do việc thị trường xây dựng bị thu hẹp, thị trường bất động sản trầm lắng, sản xuất vật liệu xây dựng nhìn chung giảm,... 

Giá trị sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng thực hiện 5 tháng đầu năm 2012 giảm so với cùng kỳ năm 2011, cụ thể như sau:

Giá trị sản xuất kinh doanh ước thực hiện tháng 5 năm 2012 đạt 14.350,8 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2012 đạt 61.802,5 tỷ đồng, bằng 36,1% so với kế hoạch năm, bằng 99,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó:

+ Giá trị xây lắp: ước thực hiện tháng 5 năm 2012 đạt 6.163,1 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2012 đạt 25.344,4 tỷ đồng, bằng 41,5% so với kế hoạch năm, bằng 104,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Tổng giá trị xây lắp có tăng so với cùng kỳ năm 2011 và phần lớn là các công trình chuyển tiếp từ năm 2011 sang do đó cũng có những thuận lợi nhất định trong việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện nhiều công trình trọng điểm rất căng thẳng, nhiều công trình không thể triển khai thi công tiếp do việc thu xếp vốn của chủ đầu tư không kịp thời, nhất là các công trình ngành điện thuộc EVN, PVN (hiện đang nợ của Tập đoàn Sông Đà đến thời điểm này ước khoảng trên 7.000 tỷ đồng). Ngoài ra, những vướng mắc lớn trong đền bù, giải phóng mặt bằng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai thực hiện công trình, nhất là các công trình giao thông.

+ Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng (kể cả TCT CN xi măng Việt Nam): ước thực hiện tháng 5 năm 2012 đạt 4.959,1 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2012 đạt 23.130 tỷ đồng, bằng 37% so với kế hoạch năm, bằng 97,8 % so với cùng kỳ năm 2011.

Sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng đang ở trong tình trạng đình đốn do việc cắt giảm đầu tư cũng như hệ lụy từ việc thị trường bất động sản đóng băng. Lượng hàng tồn rất cao, nhiều doanh nghiệp đã phải giảm công suất khai thác để tránh thua lỗ thêm như xi măng (tạm dừng khai thác 1 dây chuyền của Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, một số nhà máy xi măng thuộc Tập đoàn Sông Đà), thép (nhà máy cán thép Sông Hồng), gạch ốp lát cao cấp, sứ vệ sinh (dừng nhà máy gạch ốp lát Hà Nội, nhà máy granit Tiên Sơn khoảng 2 tháng, nhà máy gạch Men Thăng Long 45 ngày,...để tiêu thụ hàng tồn kho), kính xây dựng (dừng 1 dây chuyền 8 triệu m2/năm tại Nhà máy kính Đáp cầu),...Việc dừng sản xuất hoặc giảm công suất khai thác đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất và làm giảm khả năng thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng.

Ước thực hiện tháng 5/2012 sản lượng xi măng toàn ngành sản xuất đạt 4,85 triệu tấn, 5 tháng đầu năm 2012 đạt 19,74 triệu tấn bằng 35,9% so kế hoạch nãm, bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2011. Tháng 5 nhiều dự án xây dựng đã được tiếp tục triển khai do đó sản lượng xi măng tiêu thụ đã tăng khá, sản lượng xi măng tiêu thụ tháng 5 đạt 4,78 triệu tấn, tiêu thụ 5 tháng đầu năm 2012 ước đạt 19,56 triệu tấn, bằng 35,6% kế hoạch năm, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2011. Ước 5 tháng đầu năm xuất khẩu khoảng 2,5 triệu tấn clinker và xi măng.

- Nhập khẩu tháng 5 năm 2012 ước đạt 29,5 triệu USD, 5 tháng đầu năm 2012 ước đạt 150,1 triệu USD, bằng 34,6% so với kế hoạch năm. Nhập khẩu chủ yếu vẫn là máy móc thiết bị.

- Xuất khẩu tháng 5 năm 2012 ước đạt 14,2 triệu USD, 5 tháng đầu năm 2012 ước đạt 73,9 triệu USD, bằng 32,9 % so với kế hoạch năm. Xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm vật liệu xây dựng.

Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực của ngành Xây dựng để các đơn vị triển khai thực hiện.

Thực hiện các giải pháp nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ồn định kinh tế vĩ mô; các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuộc quản lý của Bộ đã quán triệt, xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho các đơn vị trực thuộc, phấn đấu tiết giảm tối thiểu 5% chi phí quản lý, tập trung giảm giá sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh (năm 2012: Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam dự kiến tiết kiệm khoảng 158 tỷ đồng, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam dự kiến khoảng 116 tỷ đồng).

Tiếp tục quán triệt các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tiết kiệm, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước,...; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ về ưu tiên tập trung vốn cho các công trình, dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành trong năm 2012; Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc rà soát danh mục các dự án khởi công mới và phân bổ kế hoạch vốn bố trí cho các dự án trong năm 2012 theo đúng các tiêu chí mà Chính phủ đã đề ra, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân đối với các công trình, dự án quan trọng như công trình Nhà Quốc hội, dự án Đại học quốc gia tại Hòa Lạc,...

Công tác theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản tiếp tục được duy trì; từ đầu năm 2012 đến nay thị trường xi măng vẫn ổn định về nguồn cung, không có hiện tượng tăng giá.

Nhằm theo dõi, đánh giá tình hình thị trường bất động sản làm cơ sở hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, công khai, minh bạch; Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản báo cáo tình hình kinh doanh, giao dịch bất động sản năm 2011, 4 tháng đầu năm 2012, tình hình tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, các kiến nghị về cơ chế chính sách,...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các Bộ ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 có các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng đề nghị lập phương án tái cơ cấu và cung cấp các thông tin về thực trạng DNNN ngành Xây dựng do đơn vị quàn lý (gồm các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất kinh doanh VLXD, dịch vụ cấp thoát nước và môi trường, tư vấn xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản). Trên cơ sở Báo cáo, đề xuất của Bộ Ngành, địa phương và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng lập Đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý để trình Thủ tướng Chính phủ.

Bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Theo đó, Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Thực hiện Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020, trong thời gian qua nhiều địa phương đã tiến hành triển khai rà soát, lập, thẩm định và đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn theo thẩm quyền. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương vẫn chưa quan tâm đến công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn nên việc rà soát, lập thẩm định phê duyệt còn chậm dẫn tới gặp khó khăn trong việc xác định các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Nhằm triển khai Chương trình đúng tiến độ, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các địa phương tập trung hoàn thành việc rà soát, lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn trong năm 2012.

Thực hiện các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội; tập trung quán triệt và tố chức thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn 2 thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Các nội dung phối hợp chủ yếu: xây dựng Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, kế hoạch đến năm 2015 và đến năm 2020; hoàn thiện cơ chế chính sách cho các đối tượng xã hội...; hoàn thiện mô hình hoạt động Quỹ tiết kiệm và phát triển nhà ở; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy về phát triển nhà ở các cấp của Thành phố;

Thực hiện xây dựng đề án Hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, trước mắt đề xuất giải pháp triển khai thí điểm tại một số huyện, xã bị ảnh hưởng nặng để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, sau hơn 3 năm thực hiện đã cơ bản hoàn thành, đến nay trên 485.000 hộ nghèo trên cả nước đã được hỗ trợ nhà ở, đạt tỷ lệ trên 98% so với số hộ thuộc đối tượng theo Đề án phê duyệt ban đầu của các địa phương là 496.025 hộ. Hầu hết các địa phương đã hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn, ngoài ra nhiều địa phương cũng hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho số đối tượng bổ sung theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và số hộ nghèo thuộc đối tượng của Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg ngày 29/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2012/QĐ-TTg ngày 10/02/2012 sửa đổi một số điều của Quyết định số 204/2005/QĐ-TTg ngày 15/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng và cơ chế vay vốn xây dựng nhà ở thuộc Chương trình.
Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án năm 2012 của Bộ Xây dựng, Bộ đã hoàn thành trình Chính phủ Nghị định về Giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng, Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị; Nghị định quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ. Hiện Bộ đang tiếp tục thực hiện Chương trình theo kế hoạch đề ra.

Công tác cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển tiếp tục được đẩy mạnh, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện việc thống kê, công bố các thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 26/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 01/9/2010 hướng dẫn thi hành Nghị định số 71. Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính trọng tâm năm 2012 theo Quyết định số 263/QĐ- TTg ngày 05/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch rà soát quy định, thủ tục hành chính trọng tâm năm 2012.
Bộ Xây dựng cũng thường xuyên hướng dẫn các Bộ, ngành và các địa phương, các chủ đầu tư về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; hướng dẫn, giải đáp các vấn đề về kinh tế xây dựng thông qua trang Web của Bộ và do cổng thông tin điện tử của Chính phủ gửi về.

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu giá xây dựng tiếp tục được triển khai; việc công bố chỉ số giá xây dựng, công bố suất vốn đầu tư xây dựng được thực hiện theo đinh kỳ.

Các nhiệm vụ khác trong Chương trình hành động được ban hành tại Quyết định số 173/QĐ-BXD ngày 29/02/2012 của Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 51/BC-BXD.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)