Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ đã công bố Quyết định số 838/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 13.9/2012 phê duyệt “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành xây dựng giai đoạn 2011 – 2020” với quan điểm phát triển nhân lực ngành xây dựng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, gắn với chiến lược phát triển ngành xây dựng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành xây dựng và quá trình đô thị hóa. Phát triển nhân lực ngành xây dựng phải có tầm nhìn chiến lược, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành xây dựng, phải có bước đi thích hợp theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn, gắn việc đào tạo với nhiệm vụ cụ thể của ngành, trong đó, lấy đào tạo các bậc đại học, trung học chuyên nghiệp làm nền tảng, lấy đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, đào tạo nghề chuyên biệt, nghề đặc thù, nghề có lợi thế so sánh của ngành làm khâu đột phá, lấy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong ngành là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành xây dựng và quá trình đô thị hóa.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết phát triển nhân lực ngành xây dựng là một trong ba chiến lược đột phá được dư luận quan tâm, Quốc hội đồng tình và Chính phủ ủng hộ. Bộ trưởng nhấn mạnh nhân lực ngành xây dựng cần phải được phát triển toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành xây dựng. Mục tiêu đề ra đến năm 2020, toàn ngành có khoảng 5.500 người đạt trình độ sau đại học, khoảng 200.000 người có trình độ đại học và khoảng 124.000 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, 50-60% số cán bộ, công chức, viên chức lao động đã qua đào tạo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc, có đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngành được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn, có kỹ năng chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
Hội nghị đã được nghe báo cáo tham luận về đạo tạo và phát triển nguồn nhân lực của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kiến trúc Hà Nội và của các trường cũng đã được giới thiệu để trao đổi kinh nghiệm, tạo sự liên kết trong đào tạo với nhau./.
Thu Huyền