Tại cuộc họp, thay mặt UBND TP Đà Nẵng, đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng đã báo cáo với Thứ trưởng và các Bộ, ngành về tình hình thực hiện xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2007, Đà Nẵng đã thực hiện thành công chương trình5 không (Không có hộ đói; không có người mù chữ; không có người lang thang xin ăn; không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng; không có giết người để cướp của) và đặc biệt quan tâm đến chương trình 3 có (có nhà ở; có việc làm; có lối sống đô thị). Trong đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có chỉ đạo quyết liệt, tập trung ưu tiên xây dựng khoảng 7 nghìn căn hộ nhà TNT thông qua việc kêu gọi doanh nghiệp (DN) bỏ vốn đầu tư, giao mặt bằng sạch và đẹp…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là các DN. Thành phố rất quan tâm phân bổ tiền ngân sách mua một số căn hộ của các nhà đầu tư, hỗ trợ một phần khó khăn cho các DN nhưng nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nhu cầu nhà ở TNT rất lớn. Căn cứ vào các tiêu chí ưu tiên được vay vốn, qua rà soát các dự án nhà ở cho người TNT trên địa bàn TP, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Xây dựng và BCĐ Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS là cầu nối, kết nối TP, các DN của TP với các ngân hàng để cùng tháo gỡ khó khăn về vốn, tiếp tục thực hiện các dự án tiếp theo. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng, Ngân hàng Thương mại CP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) sớm quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư đủ điều kiện vay vốn ưu đãi để triển khai một số dự án gồm: Các dự án Nhà ở cho người có TNT đang triển khai bằng nguồn vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư khoảng 1.489 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 501 tỷ đồng, số vốn còn lại cần vay để hoàn thành dự án 988 tỷ đồng; các dự án Nhà ở cho người có TNT do các DN đầu tư đang triển khai với tổng dự toán 603 tỷ đồng, nhu cầu cần vay vốn để hoàn thành dự án là 200 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo của Sở Xây dựng Đà Nẵng và ý kiến của đại diện các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, các ngân hàng, DN… Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định, trong những năm vừa qua, TP Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu nội bật về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, trong đó có kết quả về phát triển đô thị và nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Diện mạo đô thị của TP đã có nhiều thay đổi tích cực, chính sách an sinh xã hội đã được các cấp ủy Đảng và chính quyền TP hết sức quan tâm. Nhiều đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở đã được cải thiện về chỗ ở.
Về chương trình phát triển nhà ở xã hội và nhà ở nói chung, nhà ở xã hội hiện nay đang được mở rộng khái niệm bao gồm các loại hình nhà ở được nhà nước đầu tư bằng ngân sách, các loại hình nhà do các doanh nghiệp triển khai bằng nguồn vốn hợp pháp, tiền thương mại được nhà nước hỗ trợ. Đối với các chương trình nhà ở xã hội, hiện có 8 chương trình được Nhà nước đang triển khai ở các vùng miền, trong đó có chương trình nhà 167 đã hoàn thành giai đoạn 1, là chương tình xoác đói giảm nghèo thành công. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng quyết định để triển khai giai đoạn 2, tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho 510 nghìn hộ ở nông thôn; chương trình hỗ trợ 70.000 người có công với cách mạng; ba chương trình liên quan đến nhà ở đô thị, TNT, công nhân, sinh viên (hoàn toàn chi bằng vốn ngân sách, hết năm 2013 chi 14 nghìn tỷ, phân bổ vốn tập trung tại các tỉnh thành, bắt đầu đi vào giai đoạn quản lý vận hành).
Hiện tại, ngoài sự hỗ trợ vốn vay của BIDV, Vietinbank, VDB thì Bộ Xây dựng đang tích cực tìm kiếm các nguồn vốn nước ngoài như Ngân hàng Thế giới, tổ chức JICA, ADB… để đưa vào danh sách vay các nguồn vốn nước ngoài để hỗ trợ làm nhà ở xã hội. Đồng thời, huy động các DN nước ngoài đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng sẽ đề xuất với Chính phủ để bổ sung vào Nghị định sắp ban hành về việc mở rộng đối tượng được mua nhà TNT, kể cả nhà ở công nhân; khuyến khích mua, chuyển nhượng trong 5 năm…, để người dân có động lực hơn trong việc mua nhà ở. Một số vấn đề có tính chất chỉ đạo của ngành Xây dựng, Văn phòng BCĐ về chính sách nhà ở và thị trường BĐS có trách nhiệm làm đầu mối làm việc với các địa phương, DN liên quan với các ngân hàng, xem xét có thể lựa chọn một vài dự án, tạo được các dự án có tính khả thi để ngân hàng tin cậy, việc lựa chọn dự án, khống chế đầu ra cũng phải thận trọng. Ngoài ra, còn phải quan tâm đến giải quyết vấn đề thế chấp; miễn giảm thuế; các chủ đầu tư phải chủ động trên cơ sở các chính sách; mở rộng một số chính sách ưu đãi cho DN…
Theo : Báo Xây dựng điện tử