1.1. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành văn bản
Trong 5 tháng đầu năm 2014, Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật ngành Xây dựng, trong đó:
- Tiếp tục tập trung hoàn thiện và giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khóa XIII về 03 dự án luật quan trọng là: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi);
- Đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ các dự thảo: Đề án huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, Quyết định về thí điểm chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê, Quyết định phê duyệt cơ chế thực hiện xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao của các các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2014-2020, định hướng đến 2030, Phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp phép xây dựng thống nhất trên toàn quốc;
- Đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 27/02/2014 về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng;
- Ban hành theo thẩm quyền 09 Thông tư (trong đó có 02 Thông tư liên tịch) về: quản lý sử dụng nhà ở công vụ; Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ; sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 01/9/2010; giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung Điểm a khoản 2 Điều 17 của Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư; hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 84/2013/NĐ-CP ngày 25/7/2013 về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư; hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; 02 Thông tư liên tịch: số 01/2014/TTLT-NHNN-BTP-BTNMT về hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP và số 06/2014/TTLT-BXD-BNV hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Xây dựng.
- Đã ban hành Chương trình xây dựng hệ thống công cụ, chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước năm 2014 của Bộ Xây dựng, trong đó Hệ thống công cụ gồm 8 nội dung (liên quan đến kinh tế xây dựng, về hạ tầng kỹ thuật và bất động sản); Hệ thống chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật gồm 14 nội dung (về chỉ số giá, suất đầu tư xây dựng, định mức dự toán dịch vụ công ích,…).
1.2. Tập trung rà soát, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng Nghị định về quy hoạch xây dựng; tập trung hoàn thành Đề án Rà soát tổng thể tình hình thực hiện công tác quy hoạch trên phạm vi cả nước; tập trung rà soát, sửa đổi Quy chuẩn 2008 về Quy hoạch xây dựng; đang tổ chức nghiên cứu lập, điều chỉnh quy hoạch một số vùng kinh tế trọng điểm như: Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng TP. Hồ Chí Minh, Vùng đồng bằng sông Cửu Long,.... Tiếp tục rà soát công tác triển khai, thực hiện Quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; tiếp tục hướng dẫn các tỉnh, thành phố, đô thị đặc thù lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị và thực hiện pháp luật trong quy hoạch xây dựng, đôn đốc các địa phương thực hiện các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng các khu chức năng,... Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, quy hoạch xây dựng một số địa phương .
1.3. Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội; tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch:
Tập trung nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc phân loại đô thị trên quan điểm đổi mới: không khuyến khích mở rộng đô thị, tập trung nâng cao chất lượng đô thị phù hợp điều kiện đặc trung của vùng, miền để phát triển bền vững ; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật đầu tư phát triển đô thị.
Tập trung hoàn thành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn; chỉ đạo hoàn thành Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp lưu vực sông Đồng Nai; hoàn thiện Quy hoạch CTR lưu vực sông Đồng Nai, Quy hoạch quản lý CTR lưu vực sông Nhuệ Đáy, điều chỉnh Quy hoạch CTR vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Đề án huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị; trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch nghĩa trang, xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục triển khai Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, thực hiện hướng dẫn các địa phương thành lập các Khu vực phát triển đô thị và các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị; triển khai công tác rà soát, đánh giá việc thực hiện một số nội dung của Nghị định 11 tại các địa phương .
Tiếp tục triển khai các Chương trình phát triển đô thị, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; hiện Bộ đang xây dựng Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2011-2020, chuẩn bị tổng kết giai đoạn 1 Chương trình nâng cấp 6 đô thị Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tiếp tục triển khai công tác thẩm định, nâng loại đô thị; 6 tháng đầu năm 2014, Bộ đã thực hiện tổ chức thẩm định nâng loại cho 06 đô thị .
Thực hiện Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn, Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, trong đó có 05 dự án tại khu vực đô thị, 05 dự án tại khu vực nông thôn; hiện Bộ đang xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình theo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình triển khai thực hiện Chương trình xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020. Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch cũng đang được tích cực triển khai.
1.4. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế, kỹ thuật:
Hoàn thiện Luật Xây dựng sửa đổi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 khóa XIII. Nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung của Luật Xây dựng, Nghị định về hợp đồng xây dựng, Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng,...
Đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 27/02/2014 về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng; đang khẩn trương xây dựng Quy chế hoạt động, Kế hoạch hoạt động năm 2014 của Hội đồng, xây dựng Danh mục công trình và danh sách thành viên Hội đồng cho các công trình mới năm 2014. Ngoài ra, Bộ đã đôn đốc, hướng dẫn công tác kiểm tra tình hình chất lượng các công trình cầu neo dây văng trên cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng nghiệm thu đang thực hiện kiểm tra tình hình chất lượng tại một số công trình: Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Sông Tranh 2, Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình ,Đường Hồ Chí Minh – Giai đoạn 2, Đường cao tốc Hà Nội – Hải phòng, Cầu Nhật Tân, Nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3, Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Nhà máy Alunin Nhân Cơ, ...
Tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 18/02/2014 của Chính phủ, trong đó tập trung vào kiểm tra an toàn hồ đập, thủy điện và rà soát, sửa đổi các văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện. Hiện Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động ngành Xây dựng để triển khai Nghị quyết, trong đó tập trung vào 03 nội dung chính: Kiểm tra, đánh giá tổng thể an toàn các đập, hồ chứa trong cả nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến quản lý chất lượng, đầu tư xây dựng công trình đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi; tham gia hoàn thiện, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn công trình thủy điện, thủy lợi. Triển khai Kế hoạch hành động, Bộ đã tổ chức làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và các chuyên gia để xây dựng tiêu chí đánh giá an toàn hồ, đập trong cả nước.
Đẩy mạnh cấp phép xây dựng theo tinh thần Nghị định 62/2012/NĐ-CP; đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Phương án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cấp phép xây dựng thống nhất trên toàn quốc, nhằm hình thành hệ thống thông tin thống nhất về quản lý hoạt động cấp giấy phép xây dựng từ Trung ương đến các địa phương trên toàn quốc.
Tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu xử lý các tình huống vướng mắc trong quản lý các dự án, quản lý hợp đồng xây dựng, điều chỉnh tổng mức đầu tư; đã hướng dẫn, xử lý vướng mắc do biến động về giá xây dựng. Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh hệ thống các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn trong các lĩnh vực của Ngành, đã ban hành Chương trình xây dựng hệ thống công cụ, chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước năm 2014 của Bộ Xây dựng.
1.5. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội:
Đã hoàn thành sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 khóa XIII. Đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về thí điểm chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê; ban hành theo thẩm quyền 06 Thông tư .
Tiếp tục triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất Danh mục đợt 4 đối với 06 dự án nhà ở xã hội và 03 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội, nâng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại được chuyển thành nhà ở xã hội được đề xuất vay vốn đầu tư lên 81 dự án. Trên địa bàn cả nước hiện có 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn ban đầu là 33.867 căn xin điều chỉnh thành 44.881 căn (tăng 11.014 căn) ; có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 38.897 căn hộ .
Tác dụng của Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng bước đầu đã giúp đối tượng thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để cải thiện nhà ở, đồng thời có tác động lan tỏa tới thị trường bất động sản, tuy nhiên tiến độ giải ngân vẫn còn chậm do nguồn cung còn ít, một số ngân hàng vẫn còn thận trọng trong việc xác định đối tượng vay,... Đến 15/5/2014, đã có 3.983 khách hàng được các ngân hàng cam kết cho vay với tổng số tiền đạt 3.366 tỷ đồng, đã giải ngân cho 3.958 khách hàng với dư nợ đạt 1.699,5 tỷ đồng .
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2014, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số giải pháp về vốn tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tại Nghị quyết số 02/NQ-CP và đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP .
Tiếp tục tập trung triển khai Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, trong đó tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhà ở với người có công với cách mạng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ,... Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng xã hội khác: sinh viên, công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp, hộ nghèo,... .
Tiếp tục tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới tại các địa phương theo Chỉ thị số 2129/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản; đến nay, có 3.258 dự án được tiếp tục triển khai (theo báo cáo của 61 địa phương), với diện tích đất 81.565 ha, diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 29.545 ha; có 455 dự án cần phải điều chỉnh (theo báo cáo của 52 địa phương) với diện tích đất khoảng 21.087 ha, diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 7.793 ha; có 287 dự án tạm dừng triển khai (theo báo cáo của 47 địa phương) với diện tích đất khoảng 14.819 ha, diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 4.395 ha, các dự án tạm dừng chủ yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển khai tiếp.
Thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm tiếp tục ấm dần, lượng giao dịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, giá nhà có dấu hiệu chững lại không giảm liên tiếp như năm ngoái, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ. Những chính sách gần đây của Nhà nước đối với nhà ở và thị trường bất động sản đã đạt được nhiều mục tiêu như: giảm hàng tồn kho bất động sản, từng bước khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển ổn định thị trường, góp phần khôi phục kinh tế, cải thiện chỗ ở cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội. Nguồn cung hàng hóa nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay khá lớn và có nhiều sản phẩm nhà ở đã xây xong, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng. Một số dự án tạm ngừng trước đây thì hiện nay đang được mở bán trở lại.
1.6 Rà soát, tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường; thực hiện cân đối cung, cầu bình ổn thị trường VLXD:
Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc nghiên cứu Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đã hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt cơ chế thực hiện xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao của các các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2014-2020, định hướng đến 2030. Đang tập trung nghiên cứu Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất Vôi ở Việt Nam, Quy hoạch gốm sứ xây dựng, đá ốp lát ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Đề án Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng để sử dụng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến 2030.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam làm cơ sở báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh tiến độ, quy mô công suất và đưa ra khỏi quy hoạch các dự án không đủ điều kiện đầu tư nhằm đảm bảo cân đối cung cầu xi măng; Bộ đã thực hiện kiểm tra các dự án xi măng ở các tỉnh miền Bắc dự kiến vận hành năm 2014, 2015 và các dự án xi măng dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói chung và đá hoa trắng, cát nhiễm mặn ở các địa phương; theo dõi tình hình, tiến độ đầu tư các dự án xi măng cũng như nắm tình hình tiêu thụ các sản phẩm xi măng, gốm, sứ, thủy tinh xây dựng.
1.7. Đẩy mạnh cải cách hành chính
Tiếp tục triển khai có hiệu quả, chất lượng công tác cải cách hành chính, trong 5 tháng đầu năm 2014, Bộ đã thực hiện một số nội dung sau:
- Ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính và Kế hoạch cải cách hành chính năm 2014.
- Phân công nhiệm vụ triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 của Bộ Xây dựng; Đã thực hiện đánh giá, chấm điểm tiêu chí, thành phần Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 của Bộ Xây dựng.
- Ban hành Quy chế thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính của Bộ Xây dựng.
- Ban hành 04 Quyết định công bố TTHC mới ban hành giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng: trong đó: công bố 36 TTHC (các thủ tục liên quan đến: quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, chuyển đổi công năng sử dụng nhà ở sinh viên, hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và giám định tư pháp trong hoạt động xây dựng); bãi bỏ 03 TTHC hết hiệu lực thi hành (liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng).
1.8. Đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước:
Thực hiện tái cơ cấu DNNN ngành xây dựng, không phân biệt cấp, ngành quản lý, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tái cơ cấu DNNN ngành xây dựng, không phân biệt cấp, ngành quản lý” trình Thủ tướng phê duyệt. Bộ đã tiến hành thu thập thông tin về thực trạng và phương án tái cơ cấu các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực, qua số liệu báo cáo của 10 Bộ ngành, 53 tỉnh, thành phố, 13 Tập đoàn, Tổng công ty 91 gửi về Bộ Xây dựng; số lượng các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực của Ngành là 480 doanh nghiệp (trong đó có: 41 Công ty mẹ, 145 Công ty độc lập, 294 công ty con). Căn cứ vào tài liệu, báo cáo, số liệu thu thập được, Bộ Xây dựng đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án, tuy nhiên từ thực tế khảo sát, đánh giá, định hướng tái cơ cấu gặp khó khăn, vướng mắc chưa xử lý được, nên việc xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN ngành xây dựng, không phân biệt cấp, ngành quản lý là rất khó khả thi.
Tiếp tục thực hiện triển khai cổ phần hóa, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã triển khai cổ phần hóa được 13 đơn vị gồm 05 Tổng công ty và 08 công ty con. Bộ tiếp tục thực hiện Cổ phần hóa 04 Tổng công ty mẹ (FiCO, COMA, CC1 và IDICO), 05 công ty con (02 đơn vị thuộc COMA, 02 đơn vị thuộc IDICO, 01 đơn vị thuộc Sông Đà).
Tiếp tục triển khai tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp thuộc Bộ, trong 5 tháng đầu năm, đã có 04 Tổng công ty (Viglacera, Xây dựng Hà Nội, Viwaseen và Bạch Đằng) và 04 công ty con (Licogi 20, Nhà Kiên Giang, Cơ khí Kiên Giang và Lắp máy điện nước) thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Hiện Bộ đang tiếp tục thực hiện cổ phần hóa 04 Tổng công ty mẹ (Licogi, Fico, CC1 và Coma) và 02 công ty con.
Các nhiệm vụ khác trong Chương trình hành động được ban hành tại Quyết định số 53/QĐ-BXD ngày 15/01/2014 của Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
2. Tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2014
Tình hình kinh tế vĩ mô nước ta 5 tháng đầu năm 2014, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường tương đối ổn định. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngay từ đầu năm 2014, các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực, tập trung khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong tháng 5 và 5 tháng năm 2014 như sau:
- Giá trị sản xuất kinh doanh tháng 5 ước đạt 11.959,6 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2014 ước đạt 55.318,9 tỷ đồng, bằng 39,3% so với kế hoạch năm 2014, bằng 106,4% so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể như sau:
+ Giá trị xây lắp: ước thực hiện tháng 5 đạt 4.538,3 tỷ đồng, 5 tháng năm 2014 đạt 20.133,2 tỷ đồng, bằng 38,1% so với kế hoạch năm, bằng 106,2% so với cùng kỳ năm 2013.
+ Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng (kể cả TCT Xi măng Việt Nam): Ước thực hiện tháng 5 đạt 4.511,2 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2014 đạt 22.354,7 tỷ đồng, bằng 40,4% so với kế hoạch năm, bằng 107,9 % so với cùng kỳ năm 2013.
Năm 2013 toàn ngành công nghiệp xi măng đã sản xuất và tiêu thụ 61,15 triệu tấn xi măng và clinker, trong đó xi măng tiêu thụ nội địa đạt 46,05 triệu tấn, xuất khẩu đạt 15,1 triệu tấn clinker và xi măng (trong đó xi măng đạt 4,04 triệu tấn.
Căn cứ dự báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 và các chính sách đầu tư phát triển, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng năm 2014 khoảng 62-63 triệu tấn, tăng 1,5-3% so với năm 2013, trong đó xi măng nội địa khoảng 48,5-49 triệu tấn, xuất khẩu 13,5-14,0 triệu tấn.
Tháng 5 năm 2014 sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa ước đạt 4,77 triệu tấn, 5 tháng đầu năm 2014 ước tiêu thụ nội địa đạt 20,42 triệu tấn bằng 42,1% so với kế hoạch năm. Xuất khẩu 5 tháng clinker và ximăng ước đạt 6,85 triệu tấn.
+ Giá trị tư vấn: Ước thực hiện tháng 5 đạt 133,1 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2014 đạt 562,1 tỷ đồng, bằng 40,1% kế hoạch và bằng 29,7% so cùng kỳ năm 2013.
+ Giá trị SXKD khác: Ước thực hiện tháng 5 đạt 2.722,2 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2014 ước đạt 12.268,9 tỷ đồng, bằng 39,2% kế hoạch và bằng 3,2% so cùng kỳ năm 2013.
- Nhập khẩu: Ước thực hiện tháng 5 đạt 7,7 triệu USD, 5 tháng đầu năm 2014 đạt 49,1 triệu USD, bằng 42,6% so với kế hoạch năm.
- Xuất khẩu: Ước thực hiện tháng 5 đạt 14,9 triệu USD, 5 tháng đầu năm 2014 ước đạt 120,1 triệu USD, bằng 36,7% so với kế hoạch năm.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 44/BC-BXD.