Tham dự buổi làm việc có ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – Phó trưởng đoàn giám sát, các ủy viên của Ủy ban các vấn đề xã hội; đại diện Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng. Về phía Bộ Xây dựng có Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, và lãnh đạo các Cục, Vụ có liên quan của Bộ Xây dựng.
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã khái quát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 trên các mặt: Xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo quy định của Nghị quyết số 494; tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất, kiến nghị.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1262/BXD-QLN ngày 30/7/2012 đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai việc rà soát đối tượng cần hỗ trợ và xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (có hiệu lực từ 15/6/2013).
Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, trong năm 2013, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho hơn 71.000 hộ gia đình có công với cách mạng theo danh sách mà 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có báo cáo số liệu với Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012 (trong đó có hơn 49.000 hộ phải xây dựng mới nhà ở và hơn 21.000 hộ phải sửa chữa, cải tạo lại nhà ở). Đối với các trường hợp mà địa phương mới rà soát, thống kê, báo cáo trong năm 2013 thì sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ trong năm 2014.
Đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg bao gồm 12 đối tượng là người có công với cách mạng được quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Điều kiện để được hỗ trợ là các hộ đang ở nhà bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây mới hoặc đang ở nhà tạm phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây). Mức kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với trường hợp phải xây dựng mới nhà ở là 40 triệu đồng/hộ, đối với trường hợp sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà là 20 triệu đồng/hộ. Ngoài mức kinh phí này, Nhà nước cũng khuyến khích cộng đồng, dòng họ giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương mà ngân sách địa phương có thể hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 và Bộ Tài chính ban thành Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24/7/2013 hướng dẫn thi hành Quyết định này.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách và hướng dẫn triển khai thực hiện.
Về phía các địa phương, để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và xã với các thành viên là đại diện lãnh đạo các ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài chính, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh…Cấp tỉnh thì có tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở và xây dựng nghĩa trang, có tỉnh thành lập Ban chỉ đạo riêng về việc thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Như vậy, các địa phương đã tổ chức triển khai một cách quyết liệt, có sự tham gia đầy đủ của các cấp, các ngành liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu kết luận buổi làm việc
Theo số liệu báo cáo của 53/63 tỉnh, thành phố gửi Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012, số lượng người có công với cách mạng cần được hỗ trợ về nhà ở là 72.153 hộ, trong đó số hộ cần xây dựng mới nhà ở là 50.145 hộ; số hộ cần sửa chữa, cải tạo nhà ở là 21.738 hộ; tổng số tiền cần thực hiện hỗ trợ là 2.451 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương là 2.232 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 219 tỷ đồng).
Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và sự vào cuộc của các địa phương, đến nay đã có 51/53 địa phương đã được Bộ Tài chính tạm ứng 50% kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Đã có 29.557 hộ hoàn thành việc hỗ trợ đạt tỷ lệ 41% số hộ cần hỗ trợ theo báo cáo của Đoàn giám sát (trong đó 19.203 hộ được xây mới nhà ở và 10.354 hộ được sửa chữa, cải tạo lại nhà ở); 5.728 hộ đang triển khai thực hiện đạt tỷ lệ 7,9% số hộ cần hỗ trợ theo báo cáo của Đoàn giám sát (trong đó có 4.156 trường hợp xây mới và 1.572 trường hợp sửa chữa, cải tạo). Còn lại 26 tỉnh, thành phố chưa có hộ nào được hoàn thành việc hỗ trợ, gồm 10 địa phương không được cấp kinh phí do không có số liệu báo cáo Đoàn giám sát năm 2012, 02 địa phương chưa được cấp kinh phí do lập Đề án chậm so với yêu cầu và 10 địa phương mới được cấp kinh phí từ tháng 5/2014, 05 địa phương đang triển khai thực hiện.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nêu ra một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở như: sự lúng túng trong việc thống kê, rà soát đối tượng của các địa phương, kinh phí ngân sách cấp chậm và không đủ theo quy định, một số trường hợp xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở không đúng quy định do các cấp ở địa phương chưa kịp thời kiểm tra, hướng dẫn; một số trường hợp thuộc diện được hỗ trợ trong năm 2013 nhưng chưa muốn xây dựng nhà ở mới vì chưa được tuổi… cũng dẫn đến việc triển khai thực hiện bị chậm so với yếu cầu…
Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn giám sát cũng đưa ra những câu hỏi trao đổi và Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã có báo cáo giải trình đầy đủ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Trương Thị Mai đã đánh giá cao việc Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trực tiếp báo cáo và giải trình, làm rõ các vấn đề mà Đoàn giám sát nêu ra, thể hiện một tinh thần trách nhiệm rất cao. Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Xây dựng được chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Đoàn giám sát.
Bà Trương Thị Mai cũng cho biết, qua báo cáo của Bộ Xây dựng, phát biểu của đồng chí Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, và qua thực tế giám sát tại một số địa phương, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Bộ Xây dựng rất khẩn trương triển khai các văn bản đề xuất Chính phủ cũng như chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Nghị quyết số 494. Các văn bản của Bộ Xây dựng được ban hành có chất lượng, nghiêm túc và có chất lượng. Trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, Bộ Xây dựng đã chủ động, nỗ lực xử lý các vướng mắc, hướng dẫn các địa phương thành lập Ban chỉ đạo và tiến hành rà soát đối tượng. Các tiêu chí của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2013/TT-BXD đã đưa ra mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện ngân sách, việc mở rộng phạm vi đối tượng chính sách phù hợp với Nghị quyết 494 và Pháp lệnh số 04.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Trương Thị Mai cũng ghi nhận những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của các địa phương trong việc ứng trước tiền vốn để thực hiện Chương trình.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng đề nghị Bộ Xây dựng cần tiếp tục quan tâm, đảm bảo chính sách nhà ở cho người có công thực sự có tính ưu đãi, phù hợp với khả năng ngân sách Trung ương, địa phương, huy động được thêm các nguồn lực từ xã hội và khả năng tự thân của người có công; trong việc xét đối tượng, ưu tiên vấn đề tình trạng nhà ở; có văn bản đề nghị Sở Xây dựng các địa phương phối hợp với các Sở, ngành liên quan tiến hành rà soát chặt chẽ đối tượng được hỗ trợ để có số liệu chính xác báo cáo Thường vụ Quốc hội trong tháng 9/2014.
Minh Tuấn