Tại cuộc họp, đại diện nhóm tác giả đã báo cáo tóm tắt nội dung thực hiện và các kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nhiệm vụ. Theo báo cáo, tại Việt Nam, vùng ĐBSCL và Duyên hải miền Trung là những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH. Cùng những hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống, thiệt hại về nhà cửa, sự hư hỏng của rất nhiều công trình xây dựng cũng là những tổn thất không nhỏ mà thiên tai bão lũ gây ra. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH tới công trình nhà ở vùng ĐBSCL và Duyên hải miền Trung nhằm đề ra giải pháp bảo đảm an toàn nhà ở với tính khả thi cao là vô cùng cấp thiết. Kết quả nghiên cứu thực hiện Nhiệm vụ chính là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành Xây dựng trong lĩnh vực nhà ở.
Thông qua các nghiên cứu, đánh giá đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội, đặc điểm thiên tai cũng như thực trạng nhà ở của người dân tại 02 vùng nêu trên, nhóm tác giả đã đề xuất được một số giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình nhà ở thích ứng với BĐKH và nước biển dâng; xây dựng kế hoạch và các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn nhà ở đối với từng vùng. Vùng ĐBSCL thường chịu nhiều lũ lụt, giông lốc, triều cường. Do địa hình trũng thấp nên hàng năm khi lũ về sẽ gây ngập sâu trong thời gian dài (mỗi năm từ 3 – 4 tháng) rất dễ làm sập đổ, hư hỏng nhà ở, hoặc nhà bị nước lũ cuốn trôi. Từ đó nhóm tác giả đề xuất một số mô hình đảm bảo an toàn nhà ở áp dụng cho vùng ĐBSCL: tôn cao nền; làm nhà ở trên cọc; làm nhà nổi; đắp bờ bao khu dân cư để bảo vệ nhà ở; tôn nền cụm - tuyến dân cư vượt lũ để xây dựng nhà ở. Vùng Duyên hải miền Trung có đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, nhiều lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất, bão tố, lốc, lũ ống, lũ quét. Do địa hình dốc, các sông đều ngắn nên lũ lụt ở đây thường có cường độ mạnh, tuy nhiên thời gian ngập lụt ngắn (chỉ kéo dài khoảng 01 tuần). Căn cứ vào các đặc điểm này, nhóm tác giả đã đề xuất một số mô hình nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong vùng như: tôn nền; làm bè nổi; làm gác lửng; xây dựng nhà ở kiên cố phòng tránh bão lụt; xây dựng các công trình công cộng như trục sở làm việc, các công trình y tế - giáo dục – văn hóa kết hợp chức năng phòng chống bão lụt để di dời hộ dân đến tạm trú trong thời gian có bão lụt; xây dựng nhà cộng đồng tại các cụm dân cư, thôn, bản để di dời hộ dân đến ở trong trường hợp khẩn cấp khi có bão lụt xảy ra.
Trong Nhiệm vụ, nhóm tác giả đã phân tích đánh giá các ưu điểm, nhược điểm của từng mô hình, kiến nghị lựa chọn mô hình phù hợp, có tính khả thi cao đối với từng vùng; đề xuất cơ chế chính sách thực hiện các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn nhà ở; các biện pháp triển khai thí điểm giải pháp kỹ thuật (biên soạn văn bản, tài liệu hướng dẫn; tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai thí điểm; nhận xét – đánh giá kết quả…), và phương án triển khai nhân rộng.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều chung nhận xét: Nhiệm vụ đã được nhóm tác giả thực hiện rất công phu, bài bản.Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp một số ý kiến về cách bố cục; cập nhật số liệu; nghiên cứu thêm hướng dẫn tạo không gian kiến trúc đẹp hơn, mô hình tránh bão lũ sinh động hơn. Đặc biệt, nhóm tác giả cần chú trọng tới hạ tầng kỹ thuật vì đây là vấn đề cốt yếu đảm bảo an toàn cho nhà ở.
Nhất trí với các ý kiến của toàn Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng – TS. Nguyễn Trung Hòa đề nghị nhóm khẩn trương nghiên cứu bổ sung và cập nhật một số dữ liệu, bản đồ; tập trung phân tích đánh giá ảnh hưởng của BĐKH đối với nhà ở trên cơ sở nội dung cơ bản là kịch bản BĐKH mức độ trung bình do Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố. Về giải pháp kỹ thuật, TS. Hòa lưu ý nhóm gắn vấn đề này với hạ tầng và quy hoạch nhằm đưa ra được bức tranh tổng quát, toàn diện, tạo căn cứ cho những đề xuất và kiến nghị phù hợp. Nhóm cũng cần bổ sung thêm phụ lục phiếu kết quả điều tra khảo sát, và hoàn thiện báo cáo cùng giải trình tiếp thu các ý kiến trước tháng 9/2014.
Với các nhận xét và đánh giá trên đây, Nhiệm vụ đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và bỏ phiếu xếp loại Khá.
Phòng TT-TL