Nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu công nghệ chế tạo xi măng alumin CA50 từ nguồn nguyên liệu trong nước

Thứ sáu, 04/07/2014 10:31
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày 3/7/2014, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế tạo xi măng alumin CA50 từ nguồn nguyên liệu trong nước” – mã số RD 113-13do TS. Lưu Thị Hồng - Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng làm chủ nhiệm. ThS. Trần Đình Thái – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

ThS. Trần Đình Thái - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu kết luận cuộc họp.

Theo báo cáo của chủ nhiệm đề tài: xi măng alumin đã được nhiều nước nghiên cứu sản xuất và cung cấp trên thị trường thế giới với hàm lượng oxit nhôm từ 25 -80% trong thành phần. Đây là loại xi măng được ứng dụng để chế tạo bê tông bền xâm thực sunfat, bê tông đóng rắn nhanh, bê tông dự ứng lực, bê tông chịu lửa…Cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa sản xuất xi măng alumin thương phẩm, do thiếu nguồn nguyên liệu giàu nhôm, công nghệ sản xuất bằng điện cháy khó, lại tiêu hao nhiều năng lượng. Tuy vậy, trong những năm gần đây, thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhu cầu sử dụng xi măng alumin tăng cao. Mặt khác, nguồn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm này hiện nay tương đối phong phú và sẵn có trong nước – hydroxit nhôm của nhà máy hóa chất Tân Bình; oxit nhôm của nhà máy Tân Giai và Nhân Cơ. Ngoài ra, phế thải của ngành công nghiệp nhôm tấm (xấp xỉ 200 nghìn tấn / năm) cũng có thể sử dụng làm nguyên liệu cao nhôm để sản xuất xi măng alumin. Việc thực hiện đề tài đã đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của ngành xây dựng nước ta.

Để thực hiện các mục tiêu - nghiên cứu, lựa chọn nguyên liệu chứa hàm lượng oxit nhôm từ oxit nhôm công nghiệp và phế thải nhôm, trên cơ sở đó chế tạo xi măng alumin CA50 trong phòng thí nghiệm có tính chất đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật quy định trong TCVN 7569:2007, qua đó đề xuất quy trình công nghệ sản xuất xi măng alumin CA50 từ nguồn nguyên liệu trong nước - nhóm đề tài đã tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm với nguyên liệu là đá vôi núi Bùi (công ty CP xi măng Kiện Khê, Hà Nam); hidroxit hôm Tân Bình và phế thải của các nhà máy sản xuất nhôm tấm; áp dụng công nghệ thiêu kết. Mẫu sản phẩm thu nhận được có độ chịu lửa tương đương, còn cường độ nén sau nung ở nhiệt độ 100oC và 1000oC cũng tương đương và cao hơn so với mẫu xi măng nhập khẩu của Trung Quốc.

Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá rất cao tính thực tiễn và hiệu quả kinh tế - kỹ thuật to lớn của đề tài. Để đề tài hoàn thiện, sớm được ứng dụng vào thực tế, Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về yếu tố công nghệ của đề tài, về một số nội dung chuyên môn như tốc độ đóng rắn của xi măng, nguyên liệu đầu vào và phối liệu…

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng – ThS. Trần Đình Thái đã biểu dương những nỗ lực của nhóm đề tài để hoàn thành công việc; đặc biệt trong bối cảnh kinh tế - chính trị của nước ta hiện nay, thành quả của đề tài (nghiên cứu thành công quy trình công nghệ sản xuất xi măng alumin CA50 sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu trong nước, hạn chế nhập khẩu xi măng thương phẩm) có ý nghĩa rất quan trọng. ThS. Thái cũng lưu ý nhóm tác giả khẩn trương bổ sung, chỉnh sửa đề tài theo các ý kiến đóng góp của Hội đồng, hết sức chú trọng phần bố cục, văn phong để đề tài mang tính thuyết phục và tính khoa học cao hơn.
Đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu với kết quả xếp loại Xuất sắc.

Phòng TT-TL
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)