Theo báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Hải Yến chủ nhiệm của 02 tiêu chuẩn: Đất sét – Phương pháp phân tích hóa học và Sản phẩm nhôm sinh khí – Phương pháp thử: sự cần thiết để thực hiện soát xét dự thảo tiêu chuẩn Đất sét – Phương pháp phân tích hóa học xuất phát từ việc: Sau 10 năm được ban hành, tiêu chuẩn này chưa được định kỳ soát xét cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất và tình hình phân tích cũng như theo kịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới. Thông qua việc thu thập tài liệu, thông tin khoa học dự thảo tiêu chuẩn được biên soạn dưới hình thức tiêu chuẩn quốc gia có nội dung và cách trình bày phù hợp với các quy định hiện hành. Nội dung kỹ thuật của bản dự thảo tiêu chuẩn được soát xét đề xuất là những lựa chọn tối ưu nhất dựa trên các kết quả thử nghiệm nghiêm túc, lặp lại, so sánh tại nhiều phòng thí nghiệm trong nước và trên mẫu chuẩn cùng loại ở điều kiện các phòng thí nghiệm hiện có. Đối với Sản phẩm nhôm sinh khí – Phương pháp thử, cho đến nay, trong hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam chưa có phân tích hóa đề cập đến phương pháp xác định hàm lượng nhôm hoạt tính cũng như tốc độ phản ứng trong môi trường Ca(OH)2 của bột nhôm. Thông qua việc thu thập tài liệu, thông tin khoa học mới nhất, nhóm dự án đã xây dựng phương pháp phân tích hàm lượng nhôm hoạt tính và tốc độ sinh khí của loại nguyên liệu bột nhôm dùng trong sản xuất bê tông AAC với quy trình phân tích hợp lý, khoa học, dễ áp dụng tại các phòng thí nghiệm điều kiện trong nước và có tính thống nhất cao, đồng thời tương đồng với các tiêu chuẩn trong nước về nội dung, ngôn từ, cách trình bày tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
ThS. Tống Thị Hải Liên chủ nhiệm dự thảo tiêu chuẩn: Xi măng poóc lăng chứa bari – Phương pháp phân tích hóa học cũng đã báo cáo trước Hội đồng về kết quả nghiên cứu đạt được. Theo nội dung báo cáo, bố cục của tiêu chuẩn gồm 13 phần, kể từ khi được ban hành đến nay, tiêu chuẩn này chưa được định kỳ soát xét cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất và tình hình phân tích cũng như theo kịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới. Thông qua việc thu thập tài liệu, thông tin khoa học, nội dung kỹ thuật của bản tiêu chuẩn đã ban hành, kết hợp với tiến hành thực nghiệm lặp lại và so sánh, nhóm dự án sẽ thay đổi một số nội dung kỹ thuật trong phép xác định hàm lượng AL2O3, Fe2O3, SIO2(hòa tan), cách tách loại các ion cản trở trong phép xác định CaO, MgO và thay đổi cách trình bày để tiêu chuẩn này thành một tiêu chuẩn quốc gia thống nhất, sao cho phù hợp với những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay, tương đồng với các tiêu chuẩn trong nước về nội dung, ngôn từ, cách trình bày tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của tiêu chuẩn quốc gia và phù hợp điều kiện các phòng thí nghiệm trong nước.
Các thành viên trong Hội đồng đã đánh giá cao kết quả mà các chủ nhiệm dự thảo thực hiện. Tuy nhiên, cả 03 dự thảo cần chỉnh sửa lại lỗi chính tả, cần thống nhất trong cách đánh số thứ tự và sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành. Từ ngữ chỉ giờ và phút trong dự thảo cần thống nhất sử dụng là h và min
Chủ tịch Hội đồng ThS. Trần Đình Thái - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường đã nhất trí với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và đề nghị các chủ nhiệm dự thảo tiếp thu và chỉnh sửa. Riêng đối với 02 tiêu chuẩn: Đất sét – Phương pháp phân tích hóa học và Xi măng poóc lăng chứa bari – Phương pháp phân tích hóa học cần bổ sung thêm kích thước cỡ sàng, đối với tiêu chuẩn “Sản phẩm nhôm sinh khí – Phương pháp thử” trước mắt sẽ đổi tên thành “Sản phẩm nhôm dùng cho bê tông khí – Phương pháp thử”, trong quá trình thực hiện sẽ theo dõi, cần thiết sẽ chỉnh sửa lại.
Với kết quả đạt được, 03 dự thảo tiêu chuẩn đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại Xuất sắc./.
Bích Ngọc