Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng, đại diện các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, đại diện Sở Xây dựng, Kiến trúc - Quy hoạch thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam; về phía Nhật Bản có đại diện Bộ MLIT, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) cùng các chuyên gia, các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Viết Chiến, cho biết mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (mô hình Transit-Oriented Development – TOD) là một mô hình phát triển đô thị tiên tiến đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Mô hình đô thị này tạo cho các khu vực đô thị sự thuận lợi trong tiếp cận hệ thống giao thông công cộng, đa dạng hóa các hoạt động chức năng cho người dân, đảm bảo môi trường ở trong lành với các không gian mở phục vụ các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, học hành, giao tiếp… Tuy nhiên, mô hình phát triển đô thị này vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Chính vì vậy, ông tin rằng Hội thảo là diễn đàn mở để các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển đô thị cùng bàn thảo, chia sẻ các kinh nghiệm và thực tế phát triển đô thị theo mô hình TOD tại Nhật Bản cũng như định hướn phát triển và khả năng ứng dụng một cách có chọn lọc mô hình vào thực tế phát triển đô thị tại Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Đô thị - Bộ MLIT, ông Tetsu Kabashima, phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tetsu Kabashima, Phó Cục trưởng Cục Đô thị - Bộ MLIT, khẳng định Nhật Bản là một trong những nước có nhiều kinh nghiệm phát triển mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, quy hoạch đô thị; quản lý và điều tiết tốt các hoạt động đầu tư phát triển đô thị. Ông Kabashima tin tưởng mô hình TOD của Nhật Bản sẽ là mô hình kiểu mẫu, có tính thực tiễn cao, có thể chuyển giao để áp dụng một cách phù hợp trong các khu vực đô thị của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã giới thiệu và phân tích kỹ lưỡng ưu, nhược điểm của mô hình phát triển đô thị TOD qua thực tế phát triển đô thị tại Nhật Bản, khả năng áp dụng mô hình này tại Việt Nam; so sánh, đánh giá sự khác biệt giữa các đô thị đang được phát triển theo định hướng TOD tại Việt Nam với các đô thị TOD Nhật Bản, từ đó tìm ra các khó khăn vướng mắc tiềm ẩn trong việc phát triển các đô thị TOD tại Việt Nam và đề xuất giải pháp, định hướng cho việc phát triển loại hình đô thị này cho thực tế phát triển đô thị của nước ta. Ngoài ra, Hội thảo đã thảo luận và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình đô thị TOD tại Việt Nam, trong đó tập trung bàn thảo việc giải quyết mâu thuẫn giữa các mô hình quy hoạch theo tuyến giao thông đáp ứng yêu cầu của một đô thị TOD và mô hình quy hoạch theo địa giới hành chính như quy định của nước ta hiện nay.
Toàn cảnh Hội thảo
Về cơ bản, Hội thảo đã đáp ứng được phần nào yêu cầu cấp bách của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà quy hoạch… Việt Nam về nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng TOD vào thực tế quản lý và phát triển đô thị.
Thu Huyền