Thẩm định Quy hoạch xây dựng Vùng Tây Nguyên đến năm 2030

Thứ sáu, 06/09/2013 17:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 6/9/2013, tại cơ quan Bộ Xây dựng, Hội nghị Thẩm định Quy hoạch xây dựng Vùng Tây Nguyên đến năm 2030 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh. Tham dự Hội nghị về phía địa phương có đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc; lãnh đạo Sở Xây dựng các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Nông, Lâm Đồng; đại diện Ban chỉ đạo Vùng Tây Nguyên. Về phía ban ngành TW có đại diện các Bộ liên quan; đại diện các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ Xây dựng.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì Hội nghị thẩm định

Báo cáo tóm tắt nội dung đồ án, đại diện đơn vị tư vấn - Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị & nông thôn (VIAP) cho biết: Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh, với diện tích tự nhiên chiếm tới 16,5% diện tích cả nước, nằm ở vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông dương và là nơi giao cắt nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14,19,20,24,25,26,27,28; có 5 cửa khẩu trong đó 2 của khẩu quốc tế Bờ Y, Lệ Thanh. Tây Nguyên có trữ lượng đất bazan lớn để phát triển cây công nghiệp; là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt quặng bô xít. Do đặc điểm địa lý nhiều đồi núi, độ dốc lớn, lại nằm trên lưu vực 3 hệ thống sông lớn nên Tây Nguyên còn có tiềm năng thủy điện rất lớn; bên cạnh đó cảnh quan tự nhiên phong phú, giá trị văn hóa dân tộc phong phú cũng là những lợi thế để Tây Nguyên phát triển tiềm năng du lịch của mình. Để Tây Nguyên mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, với nhiều vùng trong nước và quốc tế (trực tiếp với Nam Lào và Đông bắc Cam pu chia), việc lập quy hoạch xây dựng Vùng là rất cần thiết.

Trên cơ sở các văn bản pháp lý liên quan, đặc biệt Quyết định số 45/QĐ - TTg ngày 7/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch Vùng Tây Nguyên đến năm 2030; đơn vị tư vấn phối hợp cùng UBND và các Sở ngành của 5 tỉnh trong Vùng lập đồ án Quy hoạch, trong đó phân tích cụ thể điều kiện tự nhiên và hiện trạng, đề xuất định hướng quy hoạch không gian, trong đó đề xuất mô hình phát triển hệ thống đô thị Vùng là mô hình đa cực, để hình thành nhiều đô thị động lực (thành phố Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Pleiku, Gia Nghĩa, Kon Tum, KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y) với bán kính phục vụ hợp lý có khả năng thúc đẩy sự phát triển cho từng tiểu vùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn.

Nhận xét về đồ án, các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đều đánh giá cao nỗ lực, sự nghiêm túc và công phu của đơn vị tư vấn, bởi đây là một đồ án khó, phạm vi rộng, tính đặc thù cao. Với mong muốn đồ án mang tính khả thi cao, sớm được phê duyệt đáp ứng nhu cầu phát triển của một Vùng có vị trí chiến lược rất quan trọng, là “mái nhà chung của các nước Đông Dưong”, Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để VIAP bổ sung cho đồ án (nghiên cứu hệ thống đường sắt Tây Nguyên; chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chú trọng kết nối nội vùng và ngoại vùng; thể hiện rõ hơn dân số nông thôn và chương trình phát triển nông thôn mới trong quy hoạch.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến của Hội đồng, lưu ý VIAP làm rõ tính liên kết trong đồ án; làm rõ tiềm năng và những dự án mà các tỉnh trong Vùng đã thực hiện; rà soát lại tỷ lệ đô thị hóa của Vùng; rà soát lại các dự án ưu tiên đầu tư, từ đó xác định vốn đầu tư, nguồn lực thực hiện; bổ sung đánh giá quỹ đất.

Thứ trưởng đề nghị VIAP nghiêm túc tiếp thu ý kiến các Bộ ngành và địa phương, cố gắng hoàn chỉnh đồ án trong tháng 9/2013, trên cơ sở đó Bộ Xây dựng sẽ xem xét trình Thủ tướng phê duyệt đồ án trong thời gian sớm nhất.
 

Phòng TT – TL

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)