Theo Thứ trưởng Trần Văn Sơn, mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá những thuận lợi và khó khăn, những tồn tại khi quản lý hợp đồng EPC dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu, với mong muốn cải cách tốt nhất công cụ quan trọng trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng là Hợp đồng trong hoạt động xây dựng phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình, đồng thời nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng nói chung và quản lý dự án nói riêng.
Đại diện các Bộ, ngành, các doanh nghiệp đã đem đến Hội thảo những bài tham luận hết sức bổ ích như: Tổng quan tình hình quản lý và thực hiện hợp đồng EPC ở Việt Nam; Một số vấn đề về quản lý hợp đồng EPC trong ngành giao thông; Quản lý hợp đồng EPC trong các dự án của Tập đoàn dầu khí; Một số vấn đề về thực hiện hợp đồng EPC nhìn từ góc độ nhà thầu (Tập đoàn Sông Đà); Thực hiện dự án theo phương thức hợp đồng EPC tại TCty Lilama...
Toàn cảnh Hội thảo
Hầu hết các tham luận đều thống nhất về những ưu điểm của việc thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC, đây là mô hình quản lý dự án tiên tiến đã được quy định trong Luật Xây dựng và Nghị định về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng và đã quen thuộc với các doanh nghiệp xây dựng ở các nước phát triển. Tuy nhiên đối với nước ta, hình thức thực hiện dự án theo hợp đồng EPC còn khá mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực thực hiện tổng thầu EPC của các nhà thầu trong nước còn hạn chế, cơ chế, chính sách liên quan đến hợp đồng EPC còn thiếu những quy định cụ thể hay chồng chéo gây khó khăn cho việc thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC...
Những kiến nghị sâu sắc và thiết thực được nêu tại Hội thảo sẽ được Bộ Xây dựng tiếp thu, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời những cơ chế chính sách trong phạm vi chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ sát với thực tiễn hoạt động xây dựng theo hình thức hợp đồng EPC.
Minh Tuấn