Dự Hội thảo có ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, ông Hanns-Bernd Kuchta - Giám đốc Chương trình Quản lý nước thải và chất thải rắn tại các tỉnh lỵ; đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng, các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường; UBND tỉnh, các Sở chức năng, các công ty quản lý nước thải đô thị của các tỉnh và thành phố trong nước; các cơ quan tài trợ song phương: Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á; các nhà tài trợ song phương: Các chương trình ODA và các công ty tư vấn (GTZ, FinAID, JICA,…).
Xử lý nước thải là vấn đề quan trọng đối với sức khoẻ con người. Xử lý nước thải đô thị Việt Nam hiện đang là mối quan tâm chính đối với những chuyên gia môi trường, các nhà quản lý và các nhà khoa học.
Việc thu gom và xử lý nước thải ở đô thị Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tập trung với quy mô lớn. Quy trình thực hiện của hệ thống tập trung được thực hiện bằng việc thu gom nước thải từ các khu đông dân cư và vận chuyển tới trạm xử lý tại các vùng ngoại ô thành phố. Có thể nói mô hình thoát nước và xử lý nước thải tập trung hiện đang được áp dụng phổ biến tại hầu hết các đô thị nơi có mật độ dân số cao, có điều kiện xây dựng đồng bộ. Tuy nhiên, mô hình này áp dụng với các khu dân cư phân tán, vùng ven đô, làng nghề hoặc hộ gia đình… tỏ ra không thích hợp.
Hiện nay, một giải pháp công nghệ tiên tiến được nhiều nước áp dụng là quản lý nước thải phi tập trung. Ưu điểm của phương pháp này là chi phí đầu tư thấp do quy mô trạm xử lý nhỏ, khoảng cách vận chuyển nước thải tới trạm ngắn hơn. Do vậy, phương án quản lý nước thải phi tập trung phải được đưa vào vấn đề vệ sinh đô thị trong tương lai.
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu các ưu điểm của phương pháp xử lý nước thải phi tập trung ở các đô thị để bổ sung cho các hệ thống xử lý tập trung quy mô lớn mà không phục vụ được ở vùng ngoại ô và các khu đô thị mới.
Các báo cáo tại Hội thảo đã nêu ra các vấn đề chung về xử lí nước thải phi tập trung tại các đô thị; hiện trạng và các đề xuất áp dụng xử lí nước thải phi tập trung tại Việt Nam; kinh nghiệm và thách thức đối với xử lí nước thải quy mô nhỏ ở Hà Nội; cơ chế, chính sách đối với thoát nước và xử lí nước thải phi tập trung. Những bài học rút ra từ những dự án gần đây tại Việt Nam cũng như chương trình cải thiện môi trường đô thị tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) trong tương lai cũng đã được trình bày tại Hội thảo.
Hội thảo tạo ra cơ hội thuận lợi cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nước ta trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận những giải pháp ứng dụng các thành tựu mới trên thế giới trong lĩnh vực quản lý và xử lý nước thải nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến xử lý nước thải tại Việt Nam.
H. Phước