Ngày 16/9/2010, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng khoa họckỹ thuật chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức họp nghiệm thukết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu chế tạo men chốngbám bẩn ứng dụng trong sản phẩm gạch ốp tường” do Th.S NguyễnMinh Quỳnh – Viện Vật liệu xây dựng làm chủ nhiệm đề tài.
Tại Việt Nam, công nghệ và vật liệu nano đã được ứng dụng trên một số sản phẩm như sơn tường, kính. Tuy nhiên, men nano cho gạch gốm ốp tường vẫn chưa được nghiên cứu và ứng dụng. Hằng năm, ở nước ta sản lượng gạch gốm ốp lát và gạch gốm ốp lát phủ men nói riêng thuộc loại cao so với nhu cầu, tuy vậy, chất lượng sản phẩm đa phần thuộc loại thấp, chưa phong phú nên giá trị xuất khẩu hàng năm còn hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm gạch ốp lát cao cấp là việc làm rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cần thiết phải tạo ra loại men mới, men nano có chất lượng cao, có tác dụng chống bám bẩn và tự làm sạch cho gạch gốm ốp lát nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Với mục tiêu tiếp cận, làm chủ và ứng dụng những công nghệ mới tiên tiến trong việc chế tạo vật liệu xây dựng, Viện VLXD đã đề xuất nội dung nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano cho gạch gốm ốp lát và được Bộ Xây dựng giao chủ trì thực hiện đề tài.
Thay mặt nhóm nghiên cứu Th.S Nguyễn Minh Quỳnh đã trình bày trước Hội đồng các kết quả và nội dung nghiên cứu mà nhóm đã thực hiện gồm: Nghiên cứu sử dụng lớp phủ chống bám dính 3M, phun lên bề mặt gạch và sấy; Nghiên cứu sử dụng các hạt nano đưa vào men phủ lên xương gạch và nung; Nghiên cứu các tính chất của men nano dùng cho sản phẩm gạch ốp tường thí nghiệm tính chống bám bẩn và khả năng tự làm sạch; Nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ sản xuất men chống bám bẩn ứng dụng cho sản phẩm gạch gốm ốp tường. Qua công tác nghiên cứu, thí nghiệm nhóm thực hiện đề tài đã đạt được những kết quả nhất định về việc tiếp cận với công nghệ nano, vật liệu nano và các ứng dụng của chúng trong việc chế tạo men cho gốm sứ, lựa chọn được phương pháp phun phủ cho gạch ốp tường là phù hợp với điều kiện công nghệ sản xuất hiện nay của nhà máy, lựa chọn được giải pháp khi chế tạo men nano và nung. Tuy nhiên do quy mô và điều kiện nghiên cứu hạn chế nên đề tài còn một số điểm tồn tại cần được đầu tư nghiên cứu hoàn thiện như: vấn đề sử dụng và đưa hạt nano vào trong phối liệu men; Vấn đề nung men nano ở nhiệt độ cao; Nghiên cứu khảo sát ứng dụng thử nghiệm sản phẩm với quy mô công nghiệp để đánh giá toàn diện đối tượng nghiên cứu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu – Th.S Trần Đình Thái, Phó Vụ trưởng, Vụ KHCN & MT đã đề nghị nhóm thực hiện đề tài tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung những sai sót, những phần còn thiếu trong đề tài theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, để nghiên cứu có tính ứng dụng cao hơn trong thực tiễn sản xuất ở nước ta, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và lợi ích của nhà sản xuất.
Hội đồng đã nhất trí thông qua và nghiệm thu các kết quả của đề tài, đánh giá đề tài đạt loại Khá./.
Quỳnh Anh