Dự Hội thảo có đại diện của các Bộ ngành ở trung ương, các sở xây dựng và kiến trúc - quy hoạch, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Xây dựng và các Trường đại học kiến trúc Hà Nội và Trường đại học xây dựng cùng nhiều chuyên gia quy hoạch và môi trường.
Tại Hội thảo, Trung tâm Nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn - cơ quan soạn thảo Thông tư đã giới thiệu tóm tắt về sự cần thiết ban hành, các mục tiêu, quan điểm và nguyên tắc được áp dụng trong soạn thảo cùng với nội dung tóm tắt của Thông tư.
Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm hơn. Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường (2005) và các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện và cụ thể hoá Luật, trong đó có vấn đề ĐMC.
ĐMC là cách tiếp cận lồng ghép bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch được áp dụng phổ biến tại các nước trên thế giới và ở Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn của việc đáp ứng các yêu cầu về sự phát triển đô thị bền vững thông qua lồng ghép bảo vệ môi trường trong quy hoạch xây dựng (QHXD).
Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị cùng với các văn bản quy phạm luật hướng dẫn thi hành các luật trên cũng đã được ban hành và đi vào cuộc sống, trong đó có nhiều nội dung quy định về ĐMC trong QHXD. Do vậy cần thiết phải ban hành Thông tư Hướng dẫn ĐMC đối với QHXD và quy hoạch đô thị.
Nội dung của dự thảo Thông tư gồm có các căn cứ pháp lý và 5 chương với 24 điều kèm theo 5 phụ lục, như sau: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Quy trình thực hiện ĐMC đối với QHXD; Chương III: Nội dung ĐMC đối với QHXD; Chương IV: Thẩm định báo cáo ĐMC đối với QHXD; Chương V: Tổ chức thực hiện.
Đóng góp ý kiến cho việc hoàn chỉnh dự thảo các đại biểu đã thống nhất về sự cần thiết của ĐMC trong QHXD, dự thảo đã bảo đảm tính tổng quát, đầy đủ và được nghiên cứu công phu, bên cạnh đó các đại biểu cũng đã đề nghị nhóm tác giả bổ sung một số nội dung quy định rõ và cụ thể hơn đối với các trường hợp cần thực hiện ĐMC, bổ sung ĐMC đối với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giới hạn ĐMC sao cho phù hợp với năng lực của các cơ quan quản lý và tư vấn, ngoài ra nhóm tác giả cũng lưu ý văn phong trình bày của Thông tư và rút gọn các phụ lục cho việc tham khảo được dễ dàng hơn.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Hoà bày tỏ sự cảm ơn đối với những ý kiến đóng góp thẳng thắn, cụ thể, chi tiết và cũng rất bổ ích của các đại biểu và hy vọng rằng nhóm tác giả sẽ tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung để khi ban hành Thông tư sẽ đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn QHXD ở nước ta.
H. Phước