Thay mặt cho nhóm đề tài, KS. Nguyễn Đình Lợi đã đọc báo cáo tóm tắt kết quả đề tài. Với tổng dài 62 trang, bố cục nội dung được chia làm 5 phần, nội dung nghiên cứu của đề tài được tiến hành theo các bước: Tìm hiểu cơ sở lý thuyết, thu thập thông tin, kết quả của một số nghiên cứu trong và ngoài nước, từ đó có định hướng về lựa chọn vật liệu phù hợp để chế tạo bê tông và định hướng thành phần bê tông có tính chất theo yêu cầu. Đối với nội dung nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhóm đề tài đã tiến hành đánh giá chất lượng vật liệu chế tạo bê tông (yêu cầu loại vật liệu phải có sẵn trong nước); Xác định thành phần cấp phối cho môt số loại bê tông có đặc tính khác nhau về cường độ, loại phụ gia …; Thí nghiệm mẫu trong phòng thí nghiệm nhằm xác định và điều chỉnh thành phần cấp phối đạt yêu cầu. Đối với nội dung nghiên cứu ứng dụng sản xuất, nhóm đề tài đã chuẩn bị điều kiện để ứng dụng trộn bê tông, tạo hình cấu kiện bê tông; Thử nghiệm (trộn, tạo hình, bảo dưỡng…) trên dây chuyền sản xuất thực tế và hiệu chỉnh thành phần theo yêu cầu thực tế; Kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Theo các chuyên gia, để có được bê tông cường độ cao, trên cơ sở khoa học: Chất lượng vật liệu chế tạo phải đủ tốt, đáp ứng tiêu chuẩn quy định ở mức độ cao; Hỗn hợp bê tông phải có tính công tác cao, lượng nước trộn ở mức hợp lý; Độ đặc chắc của bê tông phải cao, hạn chế chiều dày vùng chuyển tiếp do nước thừa và Ca (OH)2 sinh ra. Để đáp ứng đồng thời các nội dung như trên nhất thiết phải chọn được loại vật liệu đầu vào phù hợp, sử dụng phụ gia siêu dẻo ở hàm lượng thích hợp và sử dụng phụ gia khoáng hoạt tính có độ mịn cao và siêu mịn.
Quy trình chế tạo bê tông được thực hiện bằng cách trộn hỗn hợp bê tông bằng dây chuyền bán tự động hoặc tự động, không cho phép trộn thủ công. Lượng cốt liệu lớn và cốt liệu nhỏ khi áp dụng sản xuất phải được tính theo độ ẩm thực tế của chúng. Định lượng thành phần vật liệu phải đảm bảo chính xác, sai số cho phép không lớn hơn các giới hạn: xi măng và phụ gia khoáng±1% khối lượng, cốt liệu: ±2% khối lượng, nước và phụ gia lỏng: ±1% khối lượng hoặc thể tích. Thời gian trộn đến khi đồng nhất trong máy trộn là 1 phút cho thùng trộn 0,75m3/mẻ và công thêm 15 giây cho mỗi 0,75 m3 thùng trộn lớn hơn. Để nâng cao hiệu quả của phụ gia hơn, tại mỗi số trạm trộn có hệ thống bơm phụ gia lỏng riêng, nên cho phụ gia vào sau khi đã trộn ướt vật liệu từ 30 – 60giây (tuỳ theo từng loại thùng trộn). Nếu trạm trộn xa nơi thi công, tốt nhất nên vận chuyển bằng xe có thùng quay, nếu trạm trộn gần nơi thi công, nên sử dụng thùng cẩu hoặc vận chuyển bằng bơm trong đường ống. Trong quá trình làm chặt bê tông bắt buộc phải sử dụng các thiết bị đầm, có thể sử dụng đầm dùi, đầm bàn… không cho phép đầm thủ công dụng, sau đó bảo dưỡng ẩm bằng cách che phủ bởi vật liệu cách nước là bắt buộc. Để đảm bảo chất lượng bê tông, cần có quy trình phối hợp kiểm soát chất lượng giữa người cung cấp hỗn hợp bê tông và người thi công, người cung cấp có trách nhiệm hoàn toàn cho tới khi bê tông được đổ vào công trình, trong đó bao gồm: lựa chọn vật liệu, trộn, vận chuyển, duy trì độ sụt… Còn người thi công có trách nhiệm thi công kịp thời, không để ùn tắc, đầm và bảo dưỡng bê tông tốt.
Theo đánh giá của chủ tịch Hội đồng Trần Đình Thái - Phó Vụ trưởng, Vụ KHCN & MT, đây là đề tài có ý nghĩa về mặt thực tiễn, có ý nghĩa rất lớn trong công tác thi xông xây dựng nhà cao tầng. Trên cơ bản đề tài đã hoàn thành mục tiêu đề ra từ nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên nội dung đề tài còn mắc một số lỗi nhỏ, nhóm đề tài cần chỉnh sửa và bổ sung để đề tài đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Với kết quả thu được, đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại xuất sắc./.
Bích Ngọc