Sau 13 năm áp dụng, Tiêu chuẩn TCXD 191:1996 đã thực sự góp phần vào việc sử dụng chuẩn xác hơn các thuật ngữ kỹ thuật trong tài liệu về lĩnh vực bê tông, phù hợp với sự phát triển về vật liệu, công nghệ hiện thời. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, vật liệu làm bê tông ngày càng đa dạng. Một số tên thuật ngữ qua thực tế sử dụng không còn phù hợp đã được chỉnh sửa trong một số tiêu chuẩn được ban hành trong thời gian gần đây.
Trước yêu cầu thực tế và để tiêu chuẩn thuật ngữ về bê tông và vật liệu làm bê tông được đầy đủ hơn, đồng thời nâng cấp thành tiêu chuẩn quốc gia tiến tới hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế, Hội công nghệ bê tông Việt Nam đã thực hiện đề tài: Tiêu chuẩn Bê tông và vật liệu làm bê tông - Thuật ngữ và định nghĩa, do KS. Lê Thị Hảo làm Chủ nhiệm đề tài.
Thay mặt nhóm đề tài GS. TSKH. Nguyễn Thúc Tuyên đã trình bày kết quả thực hiện của đề tài. Việc dự thảo Tiêu chuẩn được thực hiện theo phương châm kế thừa những nội dung hợp lý của TCXD 191:1996, đồng thời bổ sung các thuật ngữ mới cho từng phần trên cơ sở tham khảo một số tiêu chuẩn thuật ngữ về lĩnh vực bê tông của nước ngoài như ASTM, ACI, BS-EN và các tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN và TCXD được ban hành và áp dụng trong thời gian gần đây.
Dự thảo gồm có 2 phần, 372 thuật ngữ, như vậy được bổ sung 147 thuật ngữ mới, tăng 65% và 1 phụ lục, được bố cục như sau:
1. Phạm vi áp dụng;
2. Thuật ngữ và định nghĩa: Gồm có 6 nội dung chính là: Thuật ngữ chung; Các loại bê tông; Vật liệu làm bê tông; Thành phần bê tông; Các tính chất cơ lý của bê tông; Chế tạo và thi công bê tông;
Phụ lục: Bảng tra cứu từ ngữ theo trật tự bảng chữ cái;
Các báo cáo phản biện cũng như ý kiến của các thành viên Hội đồng đã nêu lên tính cấp thiết của việc sớm ban hành Tiêu chuẩn và cho rằng sau khi ban hành Tiêu chuẩn sẽ góp phần đồng bộ và hoàn thiện hơn các định nghĩa về chuyên môn trong lĩnh vực bê tông nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung, đồng thời cũng đóng góp ý kiến nhằm giúp cho nội dung của Tiêu chuẩn được phù hợp hơn với thực tiễn, các thuật ngữ được chuẩn xác hơn, bố cục hợp lý hơn và còn có khả năng mở rộng trong quá trình áp dụng.
Thay mặt nhóm đề tài KS. Lê Thị Hảo đã tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình Bộ Xây dựng ban hành.
Ngày 21/01/2010 đề tài đã được Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng nghiệm thu và xếp loại Xuất sắc.
H. Phước