Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý của ngành, đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng các cuộc giao lưu trực tuyến với các Sở địa phương. Đẩy mạnh tập huấn các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn mới ban hành.
Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu quy hoạch theo vùng lãnh thổ, vùng liên tỉnh, các chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, các vùng kinh tế trọng điểm, qua đó định hướng phát triển hệ thống hạ tầng diện rộng làm cơ sở tạo động lực cho các đô thị phát triển.
Các địa phương cần tập trung rà soát và điều chỉnh các quy hoạch vùng tỉnh đã phê duyệt, đảm bảo quy hoạch vùng tỉnh phù hợp với các quy hoạch liên vùng mới được phê duyệt đồng thời định kỳ rà soát và tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị đã có quy hoạch được phê duyệt đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Tổ chức thực hiện Chương trình quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổ chức thực hiện Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020; tập trung nâng cao chất lượng đô thị; từng bước hình thành bộ máy quản lý và phát triển đô thị.
Tổ chức thực hiện Định hướng phát triển cấp nước đô thị Quốc gia đến năm 2025; Định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2025; Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025; Chương trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng công nghệ tái chế, hạn chế chôn lấp; Chương trình chống thất thu, thất thoát nước tại các đô thị; tiếp tục tổ chức triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tại các đô thị;
Phấn đấu đạt tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch là 80% . Mức sử dụng nước sạch bình quân 90 l/người/ngày (các đô thị lớn đạt 100-120 l/người/ngày). Tỷ lệ thất thoát thất thu trung bình còn khoảng 30%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt bình quân cả nước khoảng 80%. Tỷ lệ thu hồi các chất có khả năng tái chế và tái sử dụng khoảng 20-30%. Tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt tiêu chuẩn quy định (đô thị từ loại V trở lên) đạt 16%.
Tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung triển khai Chương trình nhà ở sinh viên, Chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, Chương trình nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, Chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu long giai đoạn 2 và Chương trình hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở;
Phát triển thị trường bất động sản, xây dựng hệ thống đăng ký, thông tin bất động sản; thực hiện Đề án cho Việt kiều và người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Phấn đấu đạt diện tích bình quân về nhà ở 14 m2/người.
Tăng cường quản lý năng lực, điều kiện hoạt động xây dựng, cấp phép xây dựng; coi trọng công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, công tác an toàn trong xây dựng. Tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng từ Trung ương đến địa phương; nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng ở Trung ương với cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư xây dựng của các Bộ, Ngành và địa phương. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư xây dựng.
Tổ chức triển khai thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2020; tiếp tục thực hiện Chương trình Vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung; Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2020 gắn với việc rà soát, điều chỉnh đến năm 2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xi măng, thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư đảm bảo tính pháp lý, tiến độ, chất lượng và an toàn.
Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức triển khai thực hiện các Đề án thành lập 02 Tập đoàn kinh tế sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng phấn đấu đạt giá trị sản xuất kinh doanh tăng 15% so với năm 2009; giá trị thực hiện đầu tư đạt khoảng 41.845 tỷ đồng, bằng 121,7% so với ước thực hiện năm 2009.
Sản lượng xi măng toàn Ngành dự kiến 48,5 - 50 triệu tấn, tăng 10% so với ước thực hiện năm 2009. Trong đó, TCT Công nghiệp xi măng Việt Nam sản xuất 18,5-19 triệu tấn, các đơn vị liên doanh 14,8 - 15,2 triệu tấn, Xi măng lò đứng và các đơn vị sản xuất khác 15,2 - 16 triệu tấn. Trong năm 2010 khả năng sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ và có thể dành một phần cho xuất khẩu.
Theo : Báo Xây dựng điện tử