Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thăm công trình thuỷ điện Xêkaman 3 tại Lào

Thứ năm, 09/04/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ trưởng Bộ Xây dựngNguyễn Hồng Quân vừa đến thăm công trình thủy điện Xêkaman 3 tại nước CHDCND Làotừ ngày 4 - 6/4. Công trình này do Cty CP điện Việt Lào (TCty Sông Đà) đầu tưtại huyện Đắk Chưng, tỉnh Xêkông (Lào), giáp giới tỉnh QuảngNam. Đây là công trình thủy điện có quy mô lớn đầutiên của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao(BOT), có công suất 250 MW. Tổng vốn đầu tư khoảng 312 triệu USD, khi đi vào vậnhành sẽ mang lại sản lượng điện bình quân 988,98 triệu KWh. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân kiểm tra tình hình thi công đập dâng của dự án.

Theo báo cáo của Cty TNHH điện Xêkaman 3, dự án được khởi công ngày 5/4/2006 dự kiến sẽ phát điện tổ máy 1 vào đầu năm 2011. Đến nay, tổng thầu đã hoàn thành 100% đường vận hành dài 5,4km; 16,34/17,2km đường bờ trái; 10,2/17km đường bờ phải. Đập dâng, đập tràn dốc nước và hố xói đang được thi công cao độ dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2009. Trên công trường, gần 2.000 lao động của TCty Sông Đà đang tập trung thi đua để bảo đảm mục tiêu phát điện tổ máy 1 và các hạng mục còn lại. TCty Sông Đà đã hoàn thành các hạng mục phụ trợ, lán trại đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và làm việc của CBCNV trên công trường. Nhằm hỗ trợ dân cư sinh sống trong vùng triển khai dự án, chủ đầu tư đã hỗ trợ huyện Đắk Chưng xây dựng mới một trường học phổ thông và nâng cấp bệnh viện với trị giá 126 nghìn USD.

Thay mặt các đơn vị thi công trên công trường, đại diện tổng thầu Sông Đà báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân về những khó khăn trong quá trình triển khai một dự án đầu tư tại nước ngoài. Do công trường có địa bàn rộng, nằm giữa vùng rừng nguyên sinh, địa hình ảnh hưởng mưa nhiều (một năm chỉ có 3 - 4 tháng mùa khô) giao thông đi lại khó khăn, địa chất công trình phức tạp, thường xuyên xảy ra sạt trượt cho nên công tác thi công gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, toàn bộ vật tư, thiết bị và nhân lực cũng như nhu yếu phẩm phục vụ dự án không khai thác được tại chỗ nên đều phải nhập từ Việt Nam, phải làm thủ tục xuất nhập khẩu trong khi đó thủ tục phía bạn vẫn còn nhiều hạn chế. Một số chính sách về quản lý lao động nước ngoài của Lào cũng khá chặt chẽ (lao động đưa sang công trường phải có visa do Đại sứ quán Lào hoặc Lãnh sự quán tại Việt Nam cấp và thông qua các thủ tục tại Bộ Lao động Pháp luật Xã hội, Bộ An ninh Lào…).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân ghi nhận và biểu dương sự trưởng thành về nhiều mặt của TCty Sông Đà, vượt qua những khó khăn để tổ chức thi công theo kế hoạch của dự án. Bộ trưởng khẳng định, công trình thủy điện Xêkaman 3 không những sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế sau khi hoàn thành mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chính trị và quan hệ ngoại giao đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào. Đây cũng là công trình đầu tư ra nước ngoài có số vốn lớn nhất của Việt Nam, những khó khăn đặc thù trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài như thông quan cửa khẩu, cơ chế thu hút lao động có tay nghề, kiểm soát chất lượng công trình… Chủ đầu tư cần phối hợp với các cơ quan chức năng để tuân thủ nghiêm túc các quy định của nước bạn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công trường nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị thi công cần đặc biệt chú trọng công tác an toàn bởi công trình nằm xa trung tâm, điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Các đơn vị phải hết sức chú trọng chăm lo điều kiện vật chất cũng như tinh thần cho cán bộ, công nhân lao động trên công trường. Tiếp tục nghiên cứu mô hình nhà ở đặc thù tại các công trình thuỷ điện sao cho bảo đảm điều kiện sử dụng và hiệu quả. Với những kiến nghị về thuế xuất khẩu VLXD, cơ chế lương cho lao động tại nước ngoài, Bộ trưởng cũng đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị trên công trường chấp hành đúng quy định của hai Chính phủ. Riêng về mức lương cho lao động Việt Nam tại Lào, chủ đầu tư cần nghiên cứu, cân đối trong tổng mức đầu tư để có mức lương phù hợp đi đôi với việc xây dựng chính sách duy trì và phát triển nguồn nhân lực, hướng tới xây dựng các đội ngũ công nhân lao động thạo việc, có trình độ chuyên nghiệp hoá cao. Chủ đầu tư cần chủ động làm việc với Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng về quy trình kiểm soát, giám sát chất lượng thi công trên công trường. Bộ Xây dựng cũng sẽ có ý kiến với cơ quan ngoại giao phía bạn nhằm tạo điều kiện hơn nữa trong công tác thông quan cửa khẩu, quản lý lao động… phù hợp với đặc thù của dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng mong muốn TCty Sông Đà và các đơn vị tham gia trên công trình cố gắng nhiều hơn nữa để khẳng định hướng đầu tư ra nước ngoài bằng thế mạnh của Việt Nam. Đây là công trình đầu tiên tại Lào mở ra cơ hội khai thác tiềm năng thủy điện trên đất bạn. Sắp tới sẽ còn có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Lào nên thủy điện Xêkaman 3 cần phải hoàn thành như một mô hình mẫu cho các dự án tiếp theo.

Chính phủ Lào đã đồng ý tiếp tục cho phép Việt Nam tập trung nghiên cứu đầu tư các dự án thủy điện như Xê Piên - Xê Nậm Noi (340 MW), Xêkaman 1 (300 MW), Xêkaman 4 (55 MW), Sê Kông 4 (310 MW), Sê Kông 5 (200 MW) khu vực dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào để mua điện của Lào và xây dựng hệ thống truyền tải 500 KV có hiệu quả. Được biết, TCty Sông Đà đã trình Chính phủ cho phép Cty CP điện Việt - Lào được tiếp tục nghiên cứu đầu tư 5 công trình thủy điện trên.


 
Theo Báo điện tử Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)