|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xây dựng Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục đào tạo, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
|
Thảo luận ở tổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Quốc hội của thành phố Hải Phòng cho biết, tinh thần bao trùm của Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô ngày 28/12/2000 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là xây dựng Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục đào tạo, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; tiếp tục khẳng định xây dựng Thủ đô Hà Nội là thủ đô đa chức năng, trong bối cảnh đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2025 dân số nước ta vào khoảng 120-125 triệu dân.
Mở rộng Thủ đô là đạo lý, cũng là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và với nhận thức sâu sắc vấn đề hết sức hệ trọng này, Chính phủ đã quán triệt và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện việc nghiên cứu và xây dựng Đề án Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thành phố Hà Nội phải đi trước một bước. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển Hà Nội đồng thời xây dựng quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, gồm thành phố Hà Nội và 7 tỉnh lân cận. Hai việc này có mối quan hệ rất mật thiết với nhau, Vùng Thủ đô gắn với Thủ đô, Thủ đô gắn với Vùng Thủ đô.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
|
Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội do lợi thế của một thành phố đa chức năng truyền thống mang lại, những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bất cập trong quá trình phát triển. Hiện mặt bằng không gian của Hà Nội khó đáp ứng được các mục tiêu phát triển đề ra, dân số tăng nhanh, môi trường sống của người dân Hà Nội đang trở nên chật chội, không bảo đảm những chỉ tiêu về điều kiện sống như chỉ tiêu cây xanh, chỉ tiêu về các dịch vụ văn hóa, nghỉ ngơi, khu vực vui chơi cho trẻ em, người già...
Theo xu hướng phát triển, dân số Thủ đô Hà Nội sẽ lên tới khoảng 7 - 8 triệu người trong những năm tới. Nếu không chuẩn bị không gian đủ lớn cho Thủ đô theo các yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô thì chắc chắn Hà Nội và vùng phụ cận sẽ không có quỹ đất đủ cho quy mô của một đô thị hiện đại trong tương lai, khó có thể đáp ứng được mô hình đa chức năng, khó có thể xây dựng Thủ đô trở thành một thành phố có tầm cỡ khu vực và thế giới, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, lâu dài.
|
Các đại biểu Quốc hội đoàn Lạng Sơn, Vĩnh Long, Hải Phòng thảo luận ở tổ- Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
|
Việc mở rộng Thủ đô đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, với tinh thần trách nhiệm cao
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong gần 6 năm qua, Chính phủ đã thực hiện việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc. Đây là một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự kết hợp của các Bộ, ngành và địa phương, sự tham gia của các chuyên gia tư vấn quốc tế và các nhà khoa học trong nước thông qua việc trao đổi, cùng nghiên cứu với hơn 20 cuộc hội thảo trong và ngoài nước cũng như có sự thẩm định khách quan của các hội nghề nghiệp, chuyên gia quốc tế độc lập.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nếu được Quốc hội thông qua việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Chính phủ sẽ mời các chuyên gia quy hoạch quốc tế hàng đầu thế giới kết hợp với tư vấn chuyên gia quy hoạch đô thị trong nước để xây dựng Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội đúng tầm cỡ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đáp ứng cho việc xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng theo đúng mong muốn của Đảng, Nhà nước, của nhân dân cả nước.
Đại biểu Quốc hội: Mở rộng Thủ đô lúc này được Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa
Trong phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Thị Mai, Nguyễn Văn Hiến, Trần Bá Thiều đoàn Hải Phòng và Võ Văn Liêm đoàn Vĩnh Long nhất trí cao về sự cần thiết phải điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Các đại biểu này cho rằng không gian hiện tại của Hà Nội khó có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài, khó đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô của một nước có hơn 100 triệu dân trong tương lai. Đại biểu Lê Thị Mai nhấn mạnh, để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và đồng thuận cao mặc dù còn một số khó khăn nhất định.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến đoàn Hải Phòng: Chính phủ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học- Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
|
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiến, Chính phủ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu sâu, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để lựa chọn phương án tối ưu trong các phương án khác nhau.
|
Đại biểu Quốc hội Trần Bá Thiều đoàn Hải Phòng: Việc mở rộng Hà Nội lúc này được Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa. Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
|
Đại biểu Trần Bá Thiều cho rằng, việc mở rộng Hà Nội lúc này là cần thiết, cơ bản hợp lòng dân. Đây là thời điểm Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa để thực hiện việc này.
|
Đại biểu Quốc hội Võ Văn Liêm đoàn Vĩnh Long: Dư luận chung đều thống nhất với chủ trương mở rộng Thủ đô- Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
|
Đại biểu Võ Văn Liêm đánh giá, thực trạng Thủ đô nước ta so với các nước khác trên thế giới còn nhiều hạn chế như môi trường sống chật hẹp, tỷ lệ cây xanh thấp. Do đó, việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội là một chủ trương đúng đắn. Dư luận chung đều thống nhất với chủ trương mở rộng Thủ đô. Sau khi Quốc hội thông qua, việc cơ bản cần làm là phải có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, chuyên gia trong việc xây dựng Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội mở rộng.
Cổng TTĐT Chính phủ