Trong ngày làm việc thứ 7 13/5/2008 của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo các tờ trình, nghiên cứu về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, thể hiện mục tiêu lớn là xây dựng Hà Nội xứng đáng Thủ đô của một nước có hơn 100 triệu dân trong tương lai.
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn
|
Theo Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước sự quá tải, từ sự gia tăng đột biến về dân số, về yêu cầu phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và xã hội, vấn đề môi trường...
Yêu cầu của việc mở rộng Thủ đô
Chỉ trong hơn 15 năm, từ 4 quận nội thành với diện tích 40 km2, hiện nay, Hà Nội có tới 9 quận nội thành, diện tích 178,78 km2, tăng gấp gần 4,5 lần.
Hà Nội có hơn 3 triệu nhân khẩu thường trú. Bên cạnh đó, việc tăng dân số cơ học cũng rất cao 2 triệu lượt người khiến các chỉ tiêu về môi trường sống rất khó khăn.
Hà Nội thiếu quỹ đất cho xây dựng các dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia và khu vực, khó có thể đáp ứng được mô hình đa chức năng, những mục tiêu xây dựng, phát triển của Thủ đô đã ghi trong Pháp lệnh Thủ đô với ranh giới hiện nay.
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, việc quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội sẽ hướng tới mục tiêu phát triển Thủ đô thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, một trung tâm lớn của quốc gia về văn hoá - khoa học - đào tạo - kinh tế, trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế, một đô thị hiện đại, có tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phương án tối ưu cho Hà Nội
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân
|
Để đạt mục tiêu trên, trong báo cáo quá trình nghiên cứu mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày, Chính phủ đã chọn phương án sáp nhập tỉnh Hà Tây; huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình vào thành phố Hà Nội tạo thành không gian mở rộng của thành phố Hà Nội mới. Diện tích tự nhiên khoảng 3.334 km2, dân số 6,2 triệu người với 29 quận, huyện.
Phương án này có nhiều ưu điểm nổi trội vì Hà Nội mới sẽ có không gian đủ lớn để phát triển lâu dài, không chỉ 20 - 30 năm mà còn trong tương lai xa.
|
Điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô.
|
"Quá trình nghiên cứu, cân nhắc việc mở rộng hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng, cố gắng tránh những biến động không có lợi cho người dân địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trình bày, "Nhân dân rất đồng tình ủng hộ chủ trương mở rộng địa giới hành chính". Chính phủ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để Chính phủ chỉ đạo khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại trong quá trình triển khai Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.
“Về vấn đề này, ý kiến chung của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội và các đại biểu tham dự cuộc họp Ủy ban về thẩm tra Tờ trình của Chính phủ diễn ra từ 7 – 8/5/2008 đều tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội”, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nêu rõ.
Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh do ông Nguyễn Văn Thuận trình bày, về quy mô, lộ trình thực hiện, cách làm cũng như về thời điểm quyết định việc điều chỉnh, các thành viên Ủy ban Pháp luật và các đại biểu tham dự cuộc họp còn có ý kiến khác nhau.
Ngày 19/5 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh.
Trong ngày làm việc hôm nay, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật hoạt động Chữ thập đỏ, Luật Năng lượng nguyên tử và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản.
Ngày mai 14/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản, việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh.
|
Cổng TTĐT Chính phủ