Ngày 22/4, Bộ Xây dựng đã có công văn 49/BXD-KTXD hướng dẫn Bộ Tài chính về việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Thực hiện văn bản số 546/TTg-KTN ngày 14/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn bổ sung văn bản số 164/TTg-CN ngày 07/4/2008, Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng thay thế Thông tư số 05/2008/TT-BXD ngày 22/02/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng.
Về Thông tư số 03/2008/TT-BXD ngày 25/01/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh dự toán xây dựng công trình: Tại điểm 2.6, mục II, Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đã quy định: “ Chi phí dự phòng là khoản chi phí để dự trù cho khối lượng công việc phát sinh và các yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình.
Đối với các công trình có thời gian thực hiện đến 2 năm: chi phí dự phòng được tính bằng 10% trên tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác”.
Như vậy, chi phí dự phòng 10% cho các công trình có thời gian thực hiện đến 2 năm đã bao gồm cả 2 yếu tố: dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và dự phòng cho các yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình;
- Khi điều chỉnh dự toán công trình theo quy định của Thông tư số 03/2008/TT-BXD, thì các chi phí khác trong dự toán công trình xác định bằng tỷ lệ % được điều chỉnh theo nguyên tắc: các công việc nào đã ký hợp đồng thì việc điều chỉnh thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết; còn công việc nào chưa ký hợp đồng thì việc điều chỉnh căn cứ vào tỷ lệ % theo quy định và giá trị dự toán công trình đã điều chỉnh theo Thông tư số 03/2008/TT-BXD;
- Các Quyết định số 10/2005/QĐ-BXD và Quyết định số 11/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là các văn bản hướng dẫn thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Còn văn bản số 1751/BXD-VP ngày 14/8/2007 của Bộ Xây dựng là văn bản hướng dẫn thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Việc chuyển tiếp thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình từ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP sang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP do Người quyết định đầu tư quyết định;
- Việc điều chỉnh dự toán công trình cho các dự án sử dụng đơn giá công trình thì phải căn cứ vào phương pháp xác định đơn giá cho công trình đó và các quy định có liên quan để điều chỉnh cho phù hợp;
- Điểm 2 mục III của Thông tư số 03/2008/TT-BXD: Đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì việc điều chỉnh dự toán xây dựng công trình thực hiện theo hướng dẫn trong điểm 5 mục I của Thông tư này, chứ không phải điểm 4 mục I , đây là do lỗi in ấn;
Về Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng:
- Việc xác định thời điểm điều chỉnh: là thời điểm thực tế thi công từng loại công việc;
- Giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng trong thông báo hoặc công bố giá của cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp được hiểu là có sự chênh lệch lớn giữa giá cùng một loại nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng đó trong thông báo hoặc công bố giá của cấp có thẩm quyền và giá cả thực tế trên thị trường tại cùng một thời điểm;
- Chứng từ, hoá đơn hợp lệ là hoá đơn theo qui định của Bộ Tài chính hoặc chứng từ viết tay có tên, địa chỉ của người cung cấp vật liệu đối với loại vật liệu xây dựng không thể có hoá đơn theo qui định ví dụ như mua đất đắp...;
- Về phương pháp điều chỉnh giá vật liệu: Tuỳ từng hợp đồng cụ thể mà chủ đầu tư quyết định việc sử dụng phương pháp điều chỉnh giá vật liệu xây dựng cho phù hợp. Phương pháp điều chỉnh giá vật liệu theo hệ số tăng giá vật liệu áp dụng cho các hợp đồng có thể xác định được tỷ trọng chi phí của vật liệu bị tăng giá trong chi phí vật liệu trực tiếp của hợp đồng đã ký;
- Về điều chỉnh tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng công trình thực hiện quản lý chi phí theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP: Tại văn bản số 546/TTg-KTN ngày 14/4/2008 Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thực hiện theo Nghị định số 99/2007/NĐ-CP khi điều chỉnh giá hợp đồng do giá vật liệu xây dựng biến động trong thời gian qua ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu đã thoả thuận trong hợp đồng;
- Hợp đồng đã được thanh toán xong trong năm 2007 là các hợp đồng xây dựng đã thanh toán hết giá hợp đồng bao gồm giá trị của hợp đồng đã được ký kết và phần bổ sung nếu có trong năm 2007 trừ các khoản bảo hành theo qui định thì không được điều chỉnh giá vật liệu xây dựng. Trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng mới thanh toán từng đợt, chưa thanh toán hết giá hợp đồng thì được điều chỉnh theo qui định tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD.
Trung tâm Tin học
Toàn văn công văn 49/BXD-KTXD