Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước, ngành công nghiệp xi măng nước ta đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, do nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, độ ẩm không khí thường xuyên cao, hơn nữa trong thiết kế xây dựng các silô xi măng chưa quan tâm tới vấn đề chống dính bám xi măng trong silô nên xi măng thường bám dính lên thành silô tạo vấu, kết mảng, gây ảnh hưởng xấu về kinh tế, kỹ thuật và an toàn trong sản xuất.
Xuất phát từ thực tế trên, ngày 14/4/2008, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vật liệu và giải pháp thi công chống bám dính thành silô xi măng” do Thạc sỹ Hoàng Văn Thịnh thuộc Viện Vật liệu xây dựng làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài được thực hiện với mục tiêu nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng các vật liệu có khả năng bám dính tốt với bê tông gốc, có độ đặc chặt, chịu mài mòn, bền trong môi trường silô xi măng, ít dính bám bột xi măng, giảm thiểu tình trạng bám dính, kết tảng xi măng trong silô, nâng cao hiệu quả cho sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật, quy trình thi công, đảm bảo áp dụng có hiệu quả các lớp vật liệu chống dính đạt yêu cầu chất lượng, độ an toàn cao và thời gian thi công ngắn.
Bám sát mục tiêu trên, trong quá trình triển khai đề tài, nhóm tác giả đã nghiên cứu lựa chọn được công nghệ và thành phần phối liệu thích hợp để sản xuất vữa trám bả - kết nối KC-03 có cường độ cao, bám dính với nền tốt, phù hợp với yêu cầu của lớp vữa trám bả kết nối. Bên cạnh đó, đề tài đã nghiên cứu lựa chọn được lớp sơn phủ chống dính VCD-05 có khả năng bám dính với nền tốt, bền nhiệt, bền kiềm, có khả năng chịu mài mòn cao, phù hợp với các yêu cầu, điều kiện trong silô xi măng. Ngoài ra, nhóm đề tài còn đưa ra đề xuất phương án kỹ thuật thi công chống dính thành silô xi măng một cách hợp lý, khoa học và áp dụng thử nghiệm tại các Công ty xi măng Hoàng Thạch, Bút Sơn và Cẩm Phả, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đúng tiến độ và an toàn, được các công ty đánh giá tốt. Tuy nhiên, vì thời gian triển khai đề tài ngắn trong khi việc ứng dụng thử nghiệm tại cơ sở cần nhiều thời gian nên việc đánh giá hiệu quả của lớp vật liệu chống dính vào thực tiễn vẫn chưa hoàn thiện. Do vậy, cần thêm thời gian theo dõi kết quả ứng dụng để có thể phổ biến công nghệ tới các cơ sở sản xuất xi măng ở nước ta.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, việc ứng dụng vật liệu và giải pháp chống dính silô xi măng vào thực tiễn sản xuất chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao cả về mặt kinh tế lẫn kỹ thuật, có thể tiết kiệm được chi phí thông tắc silô cho các nhà máy sản xuất xi măng. Với các kết quả đạt được, đề tài đã được Hội đồng đánh giá cao và xếp loại Xuất sắc.
Nguyễn Hồng Trang