Thủ tướng phát lệnh cho doanh nghiệp

Thứ tư, 02/04/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Các Tập đoàn, doanh nghiệp phải khẩn trương rà soát lại các dự án, chi phí để sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao nhất, góp phần cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước về kiềm chế lạm phát, chiều 1/4, tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải biến khó khăn thành thuận lợi, lợi thế - Ảnh Website Chính phủ
Biến khó khăn thành thuận lợi, lợi thế
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến 8 nhóm giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới để vượt qua khó khăn trước mắt. Thủ tướng chỉ rõ, trong tình hình hiện nay, các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, một thành phần kinh tế có đóng góp khoảng 40% GDP, phải có trách nhiệm tham gia cùng Chính phủ triển khai thực hiện tốt các nhóm giải pháp này.
Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, tùy từng lĩnh vực hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp phải lên kế hoạch triển khai, quán triệt cụ thể 8 nhóm giải pháp vận dụng đối với doanh nghiêp mình; tham gia tích cực, sâu sắc, nghiêm túc, trách nhiệm cao, thiết thực, có hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, duy trì đà tăng trưởng kinh tế; biến khó khăn thành thuận lợi, lợi thế của doanh nghiệp.
Không được tăng giá, không được lỗ
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước phải rà soát lại các danh mục dự án đầu tư của doanh nghiệp theo hướng loại bỏ các dự án kém hiệu quả hoặc không có hiệu quả; tập trung vốn cho các dự án khả thi để sớm đi vào hoạt động. Trên cơ sở đó, cơ cấu lại chiến lược đầu tư, kinh doanh cho phù hợp với diễn biến của tình hình kinh tế, thị trường, giá cả thế giới và trong nước, bảo đảm nâng cao được hiệu quả, chất lượng, giảm thiểu rủi ro trong đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh chính không được dưới 70% vốn của doanh nghiệp.
Các Tập đoàn, doanh nghiệp phải rà soát lại các chi phí để sản xuất kinh doanh có hiệu quả - Ảnh Website Chính phủ
Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, một thành phần kinh tế quan trọng đóng góp khoảng 40% GDP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước phải triển khai ngay việc rà soát lại chi phí sản xuất ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất cũng như thực hiện mọi biện pháp triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí hành chính, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp không được tăng giá và bảo đảm không được lỗ, bảo đảm cân đối cung cầu.
Các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước cần thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, nhất là mặt hàng có kim ngạch lớn, có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt chú trọng việc phát triển thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Những dự án về sắt, thép, xăng dầu, xi măng phải thực hiện đúng tiến độ và sớm đưa vào hoạt động.
Đối với các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, sắt, thép, xi măng và các mặt hàng thiết yếu cho đời sống nhân dân như lương thực, thuốc chữa bệnh,… các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước phải bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng đồng thời có trách nhiệm cùng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp giữ ổn định giá cả, không được lợi dụng tình hình hiện nay để tăng giá; đồng thời phải tham gia tích cực vào việc bình ổn thị trường giá cả, thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết cũng là một trong những nhiệm vụ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đồng lòng cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Đồng lòng cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát - Ảnh Website Chính phủ
Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, từ đầu năm 2008 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt khắc phục mọi khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định đời sống nhân dân. Theo đó, quý I/2008, đất nước đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá GDP tăng 7,4%, xuất khẩu tiếp tục phát triển, huy động được lượng vốn lớn, nhất là vốn FDI và ODA cho đầu tư phát triển.
Song bên cạnh những kết quả tích cực trên, hiện nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, giá cả tăng cao và còn diễn biến phức tạp, cộng  với những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Trước tình hình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu.
Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi sự chung lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước vượt qua khó khăn trước mắt, hành động quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra.
Đồng thuận cao với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra
Các đại biểu dự Hội nghị đều bày tỏ sự chia sẻ khó khăn trước mắt và sự ủng hộ, đồng thuận cao, quyết tâm cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Trao đổi với phóng viên Website Chính phủ bên lề Hội nghị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – SATRA, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Minh cho biết, bản thân ông ủng hộ cao các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Trong khó khăn chung hiện nay, SATRA đã cơ cấu lại chiến lược kinh doanh, tiết kiệm chi phí sản xuất bằng cách tính toán lại chi phí đầu vào, tiết kiệm chi phí hành chính bằng việc hạn chế tối đa quảng cáo, hội nghị, hội thảo, giảm giá thành để tạo thế cạnh tranh, đồng thời tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu mới, nhất là thị trường thủy sản. SATRA đã tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000.
Các tin liên quan:

Website Chính phủ
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)