Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc CAND Online

Thứ sáu, 21/12/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
14h45, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân có mặt tại Báo Công an nhân dân, 100 Yết Kiêu, Hà Nội, để giao lưu với độc giả CAND Online. Với phong cách thẳng thắn của một người thợ xây dựng sông Đà, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân hứa: Sẽ không né tránh bất kỳ câu hỏi nào của độc giả CAND Online. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng coi đây là dịp tốt để nhân dân trong và ngoài nước hiểu thêm về ngành xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân gửi lời chào tới độc giả CAND Online

Đúng 15h, cuộc giao lưu bắt đầu. Độc giả có thể tiếp tục gửi câu hỏi đến giao lưu trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân. Cùng tham gia buổi giao lưu trực tuyến này, có Thiếu tướng - Nhà văn Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo CAND, Chuyên đề ANTG và lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng.

Phó Tổng Biên tập Báo CAND Nguyễn Như Phong: Kính thưa độc giả của báo Công an nhân dân điện tử. Để độc giả hiểu thêm về công tác xây dựng, kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn; hạ tầng kỹ thuật đô thị... cũng như những vấn đề có liên quan đến công tác xây dựng và quản lý xây dựng, Báo Công an nhân dân điện tử CAND Online và Trang thông tin điện tử Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng điện tử tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân với độc giả trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Tôi xin cám ơn báo CAND điện tử và trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng tổ chức cho tôi có được buổi giao lưu ngày hôm nay. Xin gửi lời chào tới tất cả quý vị độc giả, và tôi cũng xin cảm ơn các quý vị độc giả đã cho tôi biết thêm những thực tế trong cuộc sống.

Phó Tổng Biên tập Báo CAND Nguyễn Như Phong: Kính thưa Bộ trưởng, trong số nhiều câu hỏi do độc giả và nhân dân trong và ngoài nước gửi về đề nghị Bộ trưởng trả lời, BBT Báo CAND điện tử đã lựa chọn các câu hỏi  tập trung vào các nhóm vấn đề như sau: 1. Những vấn đề về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

2. Những vấn đề về nhà ở.

3. Chế độ chính sách, các quy định liên quan đến việc đầu tư xây dựng.

4. Về chất lượng các công trình xây dựng hiện nay.

Trước hết, chúng tôi xin chuyển đến Bộ trưởng hai câu hỏi đại diện cho nhóm câu hỏi về vấn đề thứ nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân trả lời câu hỏi của độc giả CAND Online.

Phó Tổng Biên tập Báo CAND Nguyễn Như Phong: Thưa Bộ trưởng, bạn đọc Nguyễn Phúc , 44, Nam gửi câu hỏi với nội dung:

Bộ mặt đô thị của nước ta rất manh mún, bị phá nát. Xin hỏi Bộ trưởng có biện pháp gì để tham mưu với CP ra những văn bản quy phạm pháp luật chấn chính vấn đề này. Hiện nay, tình trạng quy hoạch treo diễn ra tràn lan và rất phổ biến, gây khó khăn không nhỏ cho người dân sống ở khu vực đã quy hoạch treo đó. Khi công bố quy hoạch đã lâu trên 10 năm mà công trình đường ở cấp phường thuộc TP loại III vẫn không thực hiện được thì cấp nào ra quyết định điều chỉnh hoặc bãi bỏ ?

Bạn đọc Minh Trí , 40, Nam cũng có câu hỏi về vấn đề này:

Kính thưa ngài Bộ trưởng, xin ông giải thích cho người người dân chúng tôi về việc xây dựng trái phép của nhà hàng White Palace ở Thành Phố Hồ Chí Minh trên phần đất của quân khu 7. Tại sao công trình sai phép này không bị cưỡng chế phá bỏ trong khi gần 2.000 hai ngàn căn nhà của người dân ở quận tân Bình TP.HCM lại bị cưỡng chế phá bỏ theo qui định của luật pháp thiệt hại của người dân trên trăm tỉ đồng. Vậy có phải luật pháp chỉ áp dụng cho người dân thấp cổ bé miệng thôi thưa ông ?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Trước hết tôi muốn tỏ sự đồng tình với bạn. Nếu như quy hoạch đô thị hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc, cùng với sự phát triển của đất nước thì quá trình đô thị hóa cũng ngày một phát triển tuy nhiên còn nhiều việc mà chúng ta cần phải quan tâm.

Bạn nêu ra vấn đề cần phải làm gì để khắc phục vấn đề quy hoạch treo… Gần đây, Quốc hội cũng đã bàn về công tác quy hoạch xây dựng, hiện nay chính quyền địa phương các cấp, các tỉnh đã có sự quan tâm đến vấn đề về quy hoạch.

Đúng là vấn đề “quy hoạch treo” đang tồn tại và công luận cũng đề cập đến nhiều, có nhiều nguyên nhân như  chất lượng của các dự án chưa tốt, tầm nhìn còn hạn chế. Hiện nay chính quyền của nhiều địa phương đã nhìn thấy vấn đề này và điều chỉnh lại quy hoạch thậm chí thu hồi các dự án.

Câu hỏi của bạn Minh Trí nêu lên thì tôi nghĩ rằng đã là quy định của luật pháp thì mọi người đều phải thực thực hiện cả chính quyền và người dân. Tôi cho rằng việc làm như vậy là không đúng, nhất thiết phải xử lý hành vi như vậy.

Về việc cưỡng chế phá bỏ 2000 căn nhà, tôi nghĩ rằng với thông tin của bạn ở góc độ Bộ trưởng chắc chắn tôi cũng phải kiểm tra và tìm hiểu thêm về vấn đề này. Nếu cần, khi có điều kiện, tôi sẽ xin gặp bạn để trao đổi thêm.

Phó Tổng Biên tập Báo CAND Nguyễn Như Phong: Thưa Bộ trưởng, bạn đọc Vũ Quang Huy , 26, Nam hỏi: Về vấn đề nhà ở, thưa Bộ trưởng trong cơ chế thị trường và giá cả về bất động sản của Việt Nam ta hiện nay, ngoài chính sách của 1 số ngân hàng cho vay mua nhà trả góp trong 15 - 20 năm.Với thế hệ trẻ chúng tôi những cặp vợ chồng mới cưới có lương bình quân 2 vợ chồng từ 4 triệu - 8 triệu đồng thì làm thế nào để có một căn hộ nho nhỏ để ở, đời sống thật khó khăn, chạy thuê hết chỗ này ở một thời gian lại chạy đến chỗ thuê ở khác, không an cư thì lập nghiệp thật khó. Bộ trưởng có cao kiến gì với nhà nước, Chính phủ để thế hệ trẻ chúng tôi trong tương lai có thể mua được một căn hộ nhỏ bằng phương thức nào hoặc thuê nhà lâu dài để ở, cám ơn Bộ trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Trước hết tôi muốn chia sẻ với bạn Huy, nguyện vọng của bạn là nguyện vọng chính đáng. Thực tế cho thấy, đồng lương cán bộ công chức của nước ta đang ở mức khiêm tốn, thì đúng là mua nhà ở thực sự ra là có khó khăn.

Trong khi đó quỹ nhà ở của Nhà nước từ sau năm 1991, khi mà Pháp lệnh Nhà ở có hiệu lực, chúng ta không tiến hành bỏ vốn nhà nước để xây nhà cho cán bộ, tức là không còn được bao cấp nhà ở như ngày xưa, quỹ nhà ở cũ thiếu hụt, quỹ nhà ở mới thì chưa có. Vì thế, nhu cầu nhà ở của chúng ta chưa được giải quyết một cách căn cơ. Đây là một thực trạng có thật.

Chính phủ đã đề xuất và Quốc hội thông qua Luật Nhà ở, tới đây sẽ được triển khai. Trong luật có đề cập đến nhà xã hội, tức là quỹ nhà của Nhà nước để phục vụ giải quyết nhu cầu chỗ ở, cho các đối tượng xã hội để thuê hoặc thuê mua. Thực tế chúng ta đang quan tâm đến việc quỹ nhà ở, đặc biệt là nhà tái định cư, nhà cho dân di dời, nhưng đó chỉ là phục vụ cho dự án chứ không phải là nhà xã hội.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều nhà tài chính, ngân hàng, nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề này. Họ đã thực hiện cho vay để nhà đầu tư xây nhà bán trả góp hoặc cho người dân vay tiền để mua nhà và trả nợ trong vòng 15 - 20 năm.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo một số địa phương là TP HCM, Hà Nội, Bình Dương làm thí điểm vấn đề nhà ở xã hội. Phải thí điểm bởi vì đã nhiều năm qua chúng ta bỏ quỹ nhà ở, phương thức quản lý bây giờ cũng phải đổi mới, chúng ta không làm nhà ở để phân phối mà làm để cho thuê, vì thế phải thí điểm.

Tôi hy vọng rằng, khi Luật Nhà ở được thực hiện, từ đây quỹ nhà ở của nhà nước sẽ phát triển, nhiều nhà đầu tư sẽ xây nhà xã hội, đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho nhân dân.

Luật Nhà ở quy định, nhà ở xã hội sẽ có diện tích ở mức trung bình, tất nhiên là không được dưới 30m2 và không quá 60m2, không được xây quá 6 tầng để giá cả ở mức vừa phải đáp ứng nhu cầu của người dân.

Sau khi triển khai Luật Nhà ở, với sự tích cực của các nhà đầu tư và sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp cũng cần phải quan tâm hơn đến vấn đề này thì vấn đề nhà ở phục vụ nhu cầu nhân dân sẽ được giải quyết một cách căn cơ hơn.

Phó Tổng Biên tập Báo CAND Nguyễn Như Phong: Thưa Bộ trưởng, bạn đọc Vũ Quang Huy , 26, Nam gửi câu hỏi có nội dung như sau:

Phó Tổng Biên tập Báo CAND Nguyễn Như Phong: Xin gửi tới Bộ trưởng câu hỏi của bạn đọc Hoàng Linh, Trưởng ban quản trị cụm Trung Hoà, thay mặt cho cư dân khu đô thị Trung Hoà - Nhân chính:

Câu hỏi khá dài, xin nêu với Bộ trưởng những ý chính:

Câu 1: Khoản 2 điều 72 Luật nhà ở năm 2005 quy định: Ban Quản trị nhà chung cư được lựa chọn và ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư… Tại đây, Ban Quản trị thông qua đấu thầu đã lựa chọn được doanh nghiệp này và hội nghị nhà chung cư đã phê chuẩn. Nhưng chủ đầu tư là Vinaconex không chịu thực hiện điều luật này!

Câu 2: Trong điều lệ quản lý XD theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính tỉ lệ 1:500 ban hành kèm theo quyết định số 76/2001/QĐ-UB ngày 18/9/2001 của UBND TP Hà Nội có quy định:

- Đất ở cao tầng: chỉ tiêu quy hoạch XD về tầm cao trung bình chỉ từ 9 - 21 tầng. Nay, thực tế toàn nhà 17, 18, 24 tầng rồi còn làm thêm cả tầng 25 và 34 tầng

- Khu cây xanh TDTT quy định 10.747m2 gồm 3 lô đất. Nay, thực tế không làm.

- 4 bãi đỗ xe 6.138,68m2 nhưng thực tế không làm.

- Trụ sở hành chính 3325m2 : thực tế không làm

- 2 khu nhà trẻ mẫu giáo 10.975m2, thực tế chỉ sử dụng 1 khu cho các cháu học, còn 1 khu cho thuê làm trụ sở làm việc, xây sân tennis và sân nhà trẻ mẫu giáo làm bãi đỗ xe con.

- Nguồn nước cấp cho khu đô thị là Nhà máy nước Mai Dịch lấy từ đường ống D600 hiện có ở giáp phía Bắc đô thị mới. Nhưng thực tế dân phải dùng nước giếng khoan của chủ đầu tư Vinaconex.

Ngày 30/10/2007 Sở Y tế Hà Nội báo cáo UBND TP: trạm cấp nước khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính không đạt các yêu cầu vệ sinh cơ sở, mẫu nước tại trạm và các bể ngầm tại các nhà cao tầng có hàm lượng amôni và độ ôxi hóa cao hơn tiêu chuẩn cho phép, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Thế mà dân chúng tôi đã phải mua nguồn nước nguy hiểm này của Vinaconex hơn 4 năm qua với giá lũy tiến nước sạch của thành phố.

Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề mà bạn đọc Hoàng Linh nêu cũng như những vấn đề liên quan đến công tác quản lý chung cư hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Về câu hỏi của bạn tôi xin chia sẻ sự bức xúc của bạn. Tôi xin trả lời về 2 vấn đề:

Về công ty quản lý nhà chung cư và về chủ đầu tư. Về vấn đề chủ đầu tư, với những thông tin của bạn chúng tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh. Về vấn đề lựa chọn công ty quản lý nhà chung cư.

Chúng ta thống nhất một vấn đề như thế này: Một tòa nhà chung cư là nơi sinh sống của nhiều người và như vậy nó rất phức tạp. Và như vậy phải có sự quản lý, cách đây mấy năm ở Hà Nội chúng ta cũng đã có nhiều khu nhà chung cư nhưng có thể nói là cách làm của chúng ta chưa phù hợp nên chưa đi vào cuộc sống, chưa được sự chấp nhận của người dân.

Hiện nay cách làm của chúng ta tốt hơn, đảm bảo được cuộc sống của người dân. Các chung cư mới tạo nên một diện mạo mới cho đô thị và cơ bản người dân đô thị chấp nhận ở nhà chung cư. Đây là một điều rất tốt.

Một tòa nhà chung cư có mấy chục, mấy trăm gia đình ở cần một sự quản lý, phục vụ gọi là dịch vụ đô thị. Người thụ hưởng dịch vụ đương nhiên phải trả tiền. Nhưng nếu tiền dịch vụ cao quá thì người dân cũng không đồng tình. Hiện nay các nhà đầu tư cũng có cách làm để quản lý các dịch vụ để bù đắp chi phí dịch vụ. Ví dụ như họ lấy tầng 1 để kinh doanh bù đắp chi phí. Như độc giả nêu có thể cư dân ở tòa nhà không đồng tình với sự quản lý của chủ đầu tư.

Ở nhiều nước cũng đã đề cập đến vấn đề lập Ban quan trị của tòa nhà. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xem xét lại việc lập ban đại diện của tòa nhà chung cư cũng như việc tổ chức đấu thầu như thế nào, hình thức đấu thầu như thế nào để chọn nhà quản lý.

Trong trường hợp này, hiện đang có một công ty quản lý có sẵn của Vinaconex thì tôi nghĩ rằng ban đại diện cần phải bàn bạc trao đổi với công ty đó. Mục tiêu cuối cùng là phải đảm bảo được đời sống sinh hoạt của cư dân tại tòa nhà đó, phù hợp với mức sống của người dân. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra các vấn đề mà bạn nêu.

Phó Tổng Biên tập Báo CAND Nguyễn Như Phong: Xin đọc cho Bộ trưởng một câu hỏi, hay nói đúng hơn là một lời nhắn nhủ đến Bộ trưởng.

Tôi không đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân mà chỉ muốn nhân dịp này chuyển tới Ông những lời chúc mừng và nhắn nhủ của bạn bè THPT TP Yên Bái hơn 40 năm về trước. Trường PTTH Nguyễn Huệ ở Yên Bái vừa tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập. Ông Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân là một cựu học sinh xuất sắc của trường đã được thầy trò và bè bạn vinh danh trong hôm lễ hội đó.

Có những cựu học sinh khác của trường THPT Yên Bái trong các khóa đầu tiên những năm 60 đã có những đóng góp lớn lao cho Tổ quốc nhưng lại gục ngã trước những cám dỗ về vật chất thời kinh tế đổi mới như trường hợp ông N.N.K., Phó chủ tịch thường trực tỉnh Lào Cai ông N.N.K. là một học sinh xuất sắc cùng khóa, cùng lớp với ông Bộ trưởng và cũng là người đã từ bỏ mọi cơ hội công tác ở Hà Nội để cống hiến trọn cuộc đời mình cho quê hương Lào Cai – Yên Bái, xứng đáng là tấm gương cho tất cả cựu học sinh Yên Bái nhưng đã bị vướng vòng lao lý vì giúp thương nhân trốn hàng chục tỉ đồng tiền thuế nhập cảng thuốc lá.

Là bạn học thời Yên Bái, chúng tôi mong ông Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân luôn tỉnh táo và giữ được nhiệt huyết của mình như thời xây dựng thủy điện Sông Đà để lãnh đạo công việc của Bộ Xây dựng nơi mà có nhiều vấn đề nóng hổi liên quan đến đời sống hàng ngày của hàng triệu người dân và cũng là nơi dễ dàng bị đốn gục vì vật chất.

Xin chúc ông Bộ trưởng sức khỏe và thành công trong công việc. Phạm Ly Lab. Radiation Environment, Boston, USA Nguyen Trong Hiep Atomic Energy Board, Washington,USA

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Tôi thật sự cảm động khi nhận được câu hỏi này. Tôi rất cảm ơn tình cảm của anh Phạm Ly và anh Nguyễn Trọng Hiệp.

Tôi cũng phải nói thật là 41 năm xa cách bây giờ có gặp chưa chắc anh em mình đã nhận ra nhau. Tình cảm quê hương, tình cảm bạn bè đó là những điều rất quý giá đối với mỗi người chúng ta. Tôi luôn trân trọng tình cảm đó.

Tôi cũng xin cảm ơn anh Hoàng Ly đã nhắc nhở tôi, tôi cũng muốn nói với anh rằng hãy tin tưởng vào tôi, tôi được Đảng tin, nhân dân tin giao việc cho mình thì không có lý gì mình không đem hết sức lực ra cống hiến cho đất nước.

Tôi rất muốn có dịp nào đó mà anh em mình gặp được nhau… Một lần nữa xin cảm ơn 2 anh.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong: Xin chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Thùy Anh, 21, Nữ:

Lời đầu tiên cho cháu gửi tới Bộ trưởng lời cảm ơn. Cháu đã nghe nhiều lần Bộ trưởng đàm thoại và nói chuyện trực tiếp với thanh niên tại chính cơ quan Bộ Xây dựng. Bộ trưởng là người rất cởi mở và gần gũi. Cháu xin hỏi Bộ trưởng:

Câu hỏi 1: Tại khoản 1 Điều 121 xử lý các công trình xây dựng trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực, ghi như sau: Công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch, nhưng không phù hợp với kiến trúc được phép tồn tại. Vậy xin hỏi Bộ trưởng những công trình xây dựng vi phạm điều lệ quản lý đô thị có coi là công trình đó xây dựng đúng quy hoạch không? Những sai phạm tại công trình xây dựng đó là: chiều cao công trình, mái công trình, màu sắc… Trong thời gian Luật xây dựng chưa có hiệu lực, công trình luôn bị khiếu kiện kéo dài và các cấp chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm tại thời điểm đó.

Câu hỏi 2: Tại các tuyến phố mới mở hiện nay ở Hà Nội, tuyến phố rất đẹp nhưng nhà cửa lại xây lộn  xộn, mặc dù các công trình xây dựng có giấy cấp phép, nhưng phong cách kiến trúc cũng như màu sắc công trình không đồng nhất, dường như chúng ta chỉ quan tâm đến khống chế chiều cao của công trình. Vậy tới đây Bộ trưởng có giải pháp nào cho vấn đề nêu trên.

Câu hỏi 3: Tại Nghị định 08/ND-CP có ghi Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn việc thiết kế đô thị. Vậy xin hỏi Bộ trưởng bao giờ thì Bộ Xây dựng sẽ có văn bản hướng dẫn cho việc này để các chính quyền địa phương tiến hành công tác quản lý quy hoạch được tốt hơn. Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Xin cảm ơn bạn Nguyễn Thùy Anh!

Về xử lý các công trình trước ngày Luật Xây dựng có hiệu lực. Luật quy định người dân phải xây dựng theo quy hoạch, nhưng nhà của người dân lại trước luật. Điều 121 quy định công trình xây dựng đang phù hợp với quy hoạch nhưng không phù hợp với kiến trúc  được phép tồn tại nghĩa là cái nhà ấy nằm trong khu vực quy hoạch làm nhà ở nhưng không phù hợp với các quy định về kiến trúc thì vẫn được tồn tại. Nhưng nếu cái vị trí ấy lại quy hoạch khu công viên thì phải phá bỏ.

Nhiều tuyến phố mở ra, đường và cây cối đẹp, nhưng nhà 2 bên đường nhà ở nhôm nhoam. Điều bạn quan tâm cũng là điều mà tất cả những người yêu thành phố của mình quan tâm.

Tôi đồng ý với bạn, nguyên nhân của thực trạng này là ở chúng ta chỉ quan tâm tới con đường, không quan tâm tới nhà ở hai bên đường, thậm chí không quan tâm tới hạ tầng cơ sở. Đường đô thị không chỉ là con đường mà còn là không gian đô thị, là những công trình kiến trúc tạo nên diện mại của đô thị. Vì vậy, làm sao  phải xây dựng  được hài hoà. Muốn thế phải quan tâm đến tổng thể. Lâu nay chúng ta chưa có những quy định cụ thể để giải quyết vấn đề này..

Bộ Xây dựng đã có  trình Chính phủ ban hành Nghị định 29 về quản lý kiến trúc đô thị, theo đó, Bộ Xây dựng cũng đã có thông tư hướng dẫn lập quy chế về quản lý kiến trúc đô thị. Trong quy chế, đưa ra những quy định để quản lý không gian chung cho toàn đô thị quy chế cấp 1 và những quy định đối với từng tuyến phố, từng khu vực, đưa ra những yêu cầu cụ thể về chiều cao, màu sắc sử dụng vật liệu cho từng công trình quy chế cấp II.

Hiện nay như TP HCM họ đã làm thí điểm, thực trạng các vấn đề này còn nhiều bất cập, trước mắt Bộ Xây dựng sẽ đề nghị chính quyền địa phương làm thí điểm các tuyến  phố chính, trung tâm quan trọng để tạo ra diện mạo của đô thị.

Để quản lý tố được kiến trúc đô thị của mỗi đô thị, chính quyền đô thị cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc quản lý, giám sát công tác quy hoạch kiến trúc đô thị.

Phó Tổng Biên tập Báo CAND: Thưa Bộ trưởng, bạn đọc Trần Ngọc, 45, Nam có nêu câu hỏi như sau:

1 - Tôi lấy làm lạ là ở nước ta nhà ở tư nhân và các công trình xây dựng do tư nhân bỏ vốn đầu tư được thiết kế, thi công rất bài bản, phù hợp nhu cầu sử dụng và đặc biệt là luôn đảm bảo cả về tuổi thọ cũng như chất lượng công trình sau hàng chục năm sử dụng mặc dù giá thành không cao hơn công trình do Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng cùng loại. Ngược lại đa phần các công trình do Nhà nước đầu tư như trụ sở làm việc, nhà chung cư... trừ các công trình do nước ngoài đấu thầu, thi công hoặc các công trình liên danh Nhà nước với tư nhân hay nước ngoài chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng là nứt tường, lún móng, sập trần, tràn nước thải. Rõ ràng các công trình xây dựng này có vấn đề, nguyên nhân là do đâu và ông có giải pháp gì để khắc phục, phòng ngừa !

2 - Tại sao ở Việt Nam đặc biệt các thành phố lớn Nhà nước chính là Bộ XD và các Sở XD không ban hành quy chuẩn mẫu nhà phố, nhà biệt thự và "miễn phí" các thiết kế mẫu để người dân lựa chọn và như vậy bộ mặt đô thị sẽ rất sáng sủa, người dân đỡ "tốn tiền" thuê thiết kế vừa lãng phí, vừa không đảm bảo chất lượng và đặc biệt là "hổ lốn" trên hầu như các tuyến đường. Đây cũng chính là cách góp phần chỉnh trang đô thị hiệu quả nhất ! Xin cảm ơn ông!

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Tôi chia sẻ với bạn về vấn đề chất lượng công trình mà bạn quan tâm cũng là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Tôi cũng đồng tình với bạn là nhiều công trình chất lượng chưa đảm bảo, trong đó, có những công trình mà các nhà thầu thiết kế, thi công là các doanh nghiệp xây dựng Nhà nước, vốn cũng của Nhà nước.

Nhưng nếu đánh giá tình hình chung về chất lượng công trình xây dựng, theo các số liệu mà chúng tôi tổng hợp được thì không hẳn như đánh giá của bạn. Đúng là có một số công trình vi phạm chất lượng, sự cố vẫn có, nhưng không đến mức tất cả các công trình vốn Nhà nước, nhà thầu xây dựng là Nhà nước chất lượng đều yếu kém.

Đúng là tư nhân xây nhà của người ta, người ta chỉn chu hơn, nhưng những công trình của tư nhân xảy ra sự cố, thậm chí sự cố còn nghiêm trọng, như công trình ở Long An, hoặc tòa nhà Pacific ở TP HCM.... xảy ra trong thời gian qua cũng làm dư luận rất quan tâm và Bộ Xây dựng đã ban hành các chỉ thị chấn chỉnh tình trạng này.

Điều đó cho thấy rằng, hoạt động xây dựng công trình là hoạt động mang tính nghề nghiệp, cả người quản lý, người thiết kế, người thi công đều phải có chuyên môn cao, có năng lực thì mới có sản phẩm tốt.

Tất cả các công trình có sự cố, có sai sót đều có nguyên nhân từ các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng không có năng lực phù hợp với loại và cấp công trình. Vì vậy muốn có chất lượng công trình tốt, tất cả các chủ thể tham gia vào việc xây dựng đều phải có năng lực, đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật thì chất lượng mới đảm bảo được

Với câu hỏi thứ hai thì tôi xin trả lời như sau:

Không phải Bộ Xây dựng không có thiết kế mẫu nhà, mà thậm chí có rất nhiều. Nhưng chúng ta không đặt vấn đề thiết kế mẫu cho nhà phố bởi nhà dân là của người dân, phải tôn trọng quyền của họ vì mỗi nhà có hoàn cảnh khác nhau, không thể bắt họ xây theo một mẫu chung.

Muốn có phố đẹp, thì những người quản lý phải đưa ra quy chế quản lý kiến trúc đô thị, người dân phải xây như theo quy định đó như nhà cách mép đường bao nhiêu, chiều cao nhà như thế nào, quy mô nhà ra sao, mầu sắc, hình thức kiến trúc như thế nào... phải theo chuẩn. Làm như thế, chúng ta sẽ có những tuyến phố đẹp, bộ mặt đô thị sẽ chỉnh trang hơn.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong: Thưa Bộ trưởng, khi biết tin Bộ trưởng giao lưu trực tuyến với độc giả CAND Online, lãnh đạo Cục Xây dựng và Đầu tư Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an có gửi một số câu hỏi dành cho Bộ trưởng. Công văn của Cục nêu 7 nhóm câu hỏi:

1. Thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư Thiết kế cơ sở

2. Các vấn đề về nhà thầu tư vấn Tư vấn lập dự án và Tư vấn lập thiết kế dự toán:

3. Vấn đề quản lý XDCB 

4. Đấu thầu 

5. Quản lý hoạt động  xây dựng 

6. Về Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 

7. Về Nghị định số 71/2005/NĐ-CP ngày 06/6/2005 về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Những câu hỏi đặt ra trong công văn của các đồng chí Cục Xây dựng và Đầu tư gồm 7 câu hỏi. Tôi đề nghị thế này, chúng ta cùng ở Hà Nội, nên chúng tôi sẵn sàng làm việc với Cục Xây dựng và Đầu tư Tổng cục Hậu cần Bộ Công an để giải thích các vấn đề, để dành thời gian của buổi giao lưu hôm nay cho các các độc giả nơi xa.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong: Bạn đọc Hoàng Văn Hải, 45, Nam có nêu câu hỏi như sau:

1- Bộ Xây dựng không ban hành thông tư hướng dẫn điều chỉnh tiền lương theo NĐ166/2007/NĐ-CP thì chủ đầu tư không thể làm được, vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện NĐ 99/2007.

2- Đến tháng 12/2007 giá vật liệu tăng tới 40% so với tháng 6/2007 ví dụ như thép thì nhà thầu không thể thi công được. Vậy Bộ Xây dựng có ý kiến gì để nhà thầu không thua lỗ và công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ.

3- Thủ tục đấu thầu còn quá nhiều khâu không cần thiết, thời gian quá dài, mở thầu xong là đã bị trượt giá.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Tôi đồng tình với bạn Hoàng Văn Hải. Sau khi Nnghị định 99 ra đời có thể nói tăng quyền của chủ đầu tư rất lớn. Các cơ quan Nhà nước không phải giải quyết các vấn đề cụ thể về giá cả. Cái này là chủ đầu tư và nhà thầu thương thảo với nhau. Còn tư nhân vừa là chủ đầu tư vừa là người quản lý, nên quản mức đầu tư cũng như dự toán.

Tiền lương của người lao động do nhà nước quy định, khi tăng mức lương thì đơn giá cũng tăng thì sẽ ảnh hưởng tới mức lương của người lao động. Bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cách tính. Không như trước đây Bộ ban hành định mức đơn giá. Tới đây sẽ có hướng dẫn để chủ đầu tư và nhà thầu cùng tham khảo vận dụng.

Về vấn đề giá vật liệu tăng sẽ làm ảnh hưởng đến giá của gói thầu cũng như tổng  mức đầu tư tới gói thầu. Nghị định 99 cho quyền các bên thoả thuận theo hợp đồng.

Bên A và bên B ký hợp đồng với nhau cùng nhau thỏa thuận khi có tăng giá thì tính lại.  Chúng tôi đã đưa ra chỉ số giá và phương pháp tính dự toán cho mỗi công trình và mỗi gói thầu. Vật liệu tăng quá, thì nhà thầu và chủ đầu tư sẽ tính toán linh hoạt.

Tôi nói thế để độc giả hết sức lưu ý vấn đề này. Tinh thần của nghị định 99 đã theo kinh tế thị trường. Vật liệu tăng quá cao hai bên có thể điều chỉnh gói thầu hoặc hợp đồng lên mấy % theo như thoả thuận trong hợp đồng.

Các văn bản hướng dẫn đã có nhiều. Tuy nhiên, còn những vấn đề cụ thể của những đơn vị cụ thể có thể gửi trực tiếp cho Bộ để được hướng dẫn.

Thủ tục đấu thầu quá nhiều khâu không cần thiết, thời gian quá dài, mở thầu xong là đã bị trượt giá.

Tôi rất chia sẻ vấn đề này với bạn Hoàng Văn Hải. Đã có Nghị định 111 về đấu thầu nhưng trên thực tế còn nhiều bất cập. Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định mới sát với thực tế hơn. Tôi hy vọng, Nghị định mới sẽ giải quyết được những vấn đề bạn nêu.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong: Bạn đọc Nguyễn Hữu Huy , 53, Nam hỏi độc giả với nội dung sau:

1. Nghị định 16 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình qui định phần kỹ thuật trong nội dung thiết kế cơ sở của dự án phải có Điều 7 và trách nhiệm thẩm định thiết kế này về sự hợp lý của các giải pháp thiết kế Điều 10, khoản 6. Tuy nhiên, Nghị định 112 112/2006/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16 không đề cập đến nội dung trên. Vậy, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm như thế về các giải pháp thiết kế nếu hướng dẫn Luật không quy định?

2. Thiết kế công trình ngầm không thực hiện được nếu không xem xét đến giải pháp thi công. Vậy, nội dung thiết kế cơ sở công trình ngầm thẩm định theo Nghị định 112 có bao gồm giải pháp thi công không?

3. Là cơ quan chức năng quản lý ngành, Bộ Xây dựng đã và sẽ làm gì trong xây dựng chiến lược phát triển đô thị, nông thôn bền vững? Giải pháp nào cho kết cấu hạ tầng hiện tại trong các đô thị lớn không đáp ứng nổi nhu cầu khiến cho nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông và ngập lụt luôn luôn xảy ra? 4. Quy hoạch phát triển hạ tầng thường kéo theo điều chỉnh sử dụng đất, trong đó có khu dân cư hiện hữu. Việc giải toả là cần thiết nhưng Bộ Xây dựng có chủ trương, quy định gì để hạn chế và giải quyết triệt để tình trạng kiến trúc tuyến phố với những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu cao và có hình thù quái dị sau giải tỏa để mở rộng đường đô thị?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Câu hỏi này có 3 ý, tôi xin trả lời như sau:

Ý thứ nhất hỏi về nội dung Nghị định 112 không đề cập đến nội dung trách nhiệm thẩm định thiết kế. Tôi xin trả lời: Chủ đầu tư là chủ công trình thì phải chịu trách nhiệm về công trình của anh, nếu nó vi phạm quy định pháp luật, ảnh hưởng đến cộng đồng. Nếu chủ đầu tư thuê người thiết kế vẽ công trình thì phải chịu trách nhiệm bản vẽ đó, không cần Nghị định phải hướng dẫn hay không, điều này trong luật đã nói rất rõ.

Mục tiêu của Nghị định 112 là sửa đổi một số điều của Nghị định 16 chứ không phải sửa đổi tất cả mà chỉ phân cấp nhăm tăng thẩm quyền của chủ đầu tư.

Trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan Nhà nước trong Nghị định quy định rõ là thẩm định phần bản vẽ của thiết kế cơ sở có phù hợp với quy hoạch không, có đúng pháp luật không, người làm có đáp ứng về năng lực không.

Về ý thứ hai của câu hỏi xin trả lời như sau:

Thiết kế công trình ngầm, người thiết kế khi vẽ ra công trình thì phải hình dung ra công trình sẽ được làm như thế, chứ không phải vẽ ra để không làm được. Cơ quan nhà nước thẩm định không thẩm định giải pháp thi công mà việc này thuộc về chủ đầu tư.

Ý thứ ba của câu hỏi nói về chiến lược phát triển nông thôn đô thị bền vững, đây là vấn đề có phạm vi rất rộng.

Chúng tôi đã xây dựng chiến lược phát triển đô thị Việt Nam để trình Chính phủ. Đúng là trong quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số cơ học lớn, cho nên rất khó đáp ứng về hạ tầng kể cả những nước giàu chứ chưa nói đến nước ta còn nghèo. Đúng là nước ta hạ tầng đô thị đang quá tải cả về đường sá và cấp thoát nước, ùn tắc giao thông đang là vấn nạn.

Giải quyết vấn đề này, như ùn tắc giao thông, vừa qua Chính phủ có Nghị định 32 để giải quyết. Nước ta còn phải lập ra Ủy ban ATGT.

Còn về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, tôi xin khẳng định Bộ Xây dựng có một phần trách nhiệm về vấn đề này. Chúng tôi phải làm sao để quy hoạch đô thị tốt hơn, đi trước một bước. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức nghiên cứu xây dựng Luật quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo đồng bộ kỹ thuật giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ngập lụt.

Trong câu hỏi này còn một ý nữa là vấn đề tình trạng kiến trúc tuyến phố với những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu cao và có hình thù quái dị, sau giải tỏa mở rộng đường đô thị. Thực trạng này hiện nay là có. Nguyên nhân là do cách làm của chúng ta bất cập. Người làm đường chỉ quan tâm đến đường, mục tiêu để làm sao tổng mức đầu tư cho thấp nên chỉ đền bù đến giới hạn đường. Có thực trạng đường cắt qua nhà dân thì chỉ đền bù đến phần đó chứ không đền bù hết cả ngôi nhà. Người dân còn lại nửa nhà, thậm chí chỉ còn một góc nhà hình tam giác họ tiếp tục xây dựng thành những nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu cao với hình thù quái dị.

Theo tôi, khi làm đường cần phải quan tâm đến kiến trúc của con đường, phải giải tỏa rộng ra ngoài chỉ giới của hai bên đường để xây dựng nhà ở đó theo kiến trúc quy hoạch thì sẽ có tuyến phố đẹp. Làm như thế sẽ có quy chế để nhà đầu tư kinh doanh quỹ đất hai bên đường, sẽ có kinh phí mà không cần rút từ ngân sách để giải tỏa, tổ chức tái định cư cho dân...

Làm như thế còn đảm bảo công bằng, sẽ tránh khiếu kiện, tránh tình trạng người ở ngoài mặt đường hiện tại phải đi, người trong ngõ ra mặt đường.

Phó Tổng Biên tập Báo CAND Nguyễn Như Phong: Thưa Bộ trưởng, thời gian của buổi giao lưu trực tuyến không còn nhiều. Có một vấn đề cũng được đông đảo độc giả quan tâm, đó là vụ sập cầu dẫn của cầu Cần Thơ và vụ sạt núi tại công trình thuỷ điện Bản Vẽ Nghệ An. Xin Bộ trưởng có thể cho biết kết quả điều tra về nguyên nhân vụ sập cầu và những thông tin ban đầu về nguyên nhân vụ sạt núi.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Cuối tháng 9 và giữa tháng 12 có 2 sự cố hết sức nghiêm trọng mà dư luận XH rất quan tâm. Một là sự cố sập  2 nhịp dẫn cầu  từ trục P13-P14 và P14-P15 cầu Cần Thơ và sự cố thứ 2 xảy ra tháng 12 tại mỏ đá DIII công trường xây dựng thủy điện Bản Vẽ Nghệ An.

Chính phủ đã thành lập ủy ban điều tra cấp nhà nước sự cố công trình cầu Cần Thơ tại 2 nhịp dẫn do tôi làm Chủ tịch Ủy  ban  với sự tham gia của một số Bộ, Ngành, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Cầu đường Việt Nam và đại diện cơ quan Khoa học của Nhật Bản điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố, trách nhiệm của tổ chức cá nhân liên quan và đề xuất việc bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách  để khi thi công tiếp công trình này và những công trình khác không để xảy ra sự cố tương tự.

Ủy ban điều tra đã có nhiều phiên  họp với sự tham gia của các chuyên gia, các tổ chức tư vấn để sớm đi đến kết luận cuối cùng  báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Lúc này sơ bộ đánh giá nguyên nhân chính khởi nguồn sự sập đổ hệ thống đà giáo tạm là lún móng, đài cọc của trụ tạm gây biến dạng trụ và làm sập đổ hệ thống đà ngang, đà dọc của hệ thống trụ tạm.

Là sự cố xảy ra đang trong giai đoạn thi công do liên doanh các nhà thầu Nhật Bản là nhà thầu chính vì vậy họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Phía Nhật cũng đã thừa nhận. Về quan điểm Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm nhưng  không làm phương hại đến quan hệ của hai nước.  Sự cố này xảy ra ngoài sự mong muốn của tất cả chúng ta trong đó có cả Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

Về sự cố sạt trượt  mỏ đá D3 ở công trình Bản Vẽ ở Nghệ An  khi 2 tốp công nhân thuộc Công ty Sông Đà 2 và 5 đang đang làm việc tại khai trường. Gần như nửa quả núi ở trên cao hàng trăm mét đổ ụp xuống lấp những công nhân đang làm việc ở dưới, làm 17 người thuộc  Tổng Công ty Sông đà và 1 kỹ sư giám sát của chủ đầu tư bị thiệt mạng. Hiện đang tập trung toàn lực cho công tác cứu hộ và tìm thi thể nạn nhân. Tới thời điểm  mới tìm được 9 thi thể nạn nhân. Chính phủ đã giao

Bộ Công an đứng ra chủ trì phối hợp với  Bộ Công thương và Bộ Xây dựng cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức điều tra  làm rõ nguyên nhân sự cố.

Nguyên nhân cụ thể như thế nào các nhà chuyên môn và các kỹ sư sẽ làm rõ trong thời gian sớm nhất.

Phó Tổng Biên tập Báo CAND Nguyễn Như Phong: Trong vòng 2 tiếng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến giao lưu với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã trả lời các câu hỏi xung quanh một số vấn đề mà dư luận quan tâm như quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhà ở đô thị, nhà ở cho người có thu nhập trung bình… Những câu hỏi của quý độc giả mang tính cụ thể, vụ việc, chúng tôi đã chuyển đến Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân để Bộ trưởng nghiên cứu, xem xét và giao cho các đơn vị trả lời cụ thể. Xin phép Bộ trưởng được dừng cuộc giao lưu trực tuyến tại đây.


Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)