Nghiệm thu dự thảo tiêu chuẩn Âm học - Đo đạc cách âm trong công trình và của các cấu kiện xây dựng – Phần 3: Phương pháp đo cách âm không khí của các cấu kiện xây dựng trong phòng thí nghiệm

Thứ năm, 21/02/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong xu thế phát triển của ngành Xây dựng, vấn đề cách âm trong công trình rất được coi trọng, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn nào đề cập đến phương pháp đo cách âm không khí của các cấu kiện xây dựng trong phòng thí nghiệm. Nhận rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một tiêu chuẩn mới nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng biên soạn dự thảo tiêu chuẩn trên và thành lập Hội đồng KHCN nghiệm thu ngày 21/02/2008. Dự thảo do Thạc sỹ Nguyễn Sơn Lâm chủ trì thực hiện.

Dự thảo này quy định phương pháp đo được áp dụng để xác định khả năng cách âm không khí của các cấu kiện xây dựng như tường, sàn, kính, cửa đi và cửa sổ trong phòng thí nghiệm ngoại trừ các cấu kiện xây dựng có kích thước nhỏ. Kết quả đo có thể sử dụng cho thiết kế các cấu kiện của công trình với các tính chất âm học thích hợp, so sánh tính chất cách âm của các cấu kiện và để phân loại các cấu kiện theo khả năng của chúng. Các phép đo được thực hiện trong phòng thí nghiệm, trong đó lan truyền âm gián tiếp được khống chế. Do vậy, kết quả đo tuân theo tiêu chuẩn này sẽ không được áp dụng trực tiếp cho hiện trường khi chưa tính đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến cách âm, đặc biệt là truyền âm gián tiếp và hệ số tổn thất.

Cơ sở cho việc biên soạn dự thảo dựa trên tiêu chuẩn ISO 140-3:1995E và các tiêu chuẩn liên quan, sau đó được chuyển dịch và bố cục lại cho phù hợp với quy định xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nhóm tác giả đã tham chiếu những tài liệu nước ngoài mà tiêu chuẩn ISO 140-3:1995E viện dẫn và thay thế một số tiêu chuẩn viện dẫn của nước ngoài bằng các tiêu chuẩn viện dẫn hiện hành của Việt Nam. Nội dung của dự thảo gồm 9 phần và 7 phụ lục, trong đó có 3 phụ lục bắt buộc áp dụng và 4 phụ lục tham khảo. Đến khi được chính thức ban hành, dự thảo này sẽ góp phần đồng bộ hoá hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam, đủ điều kiện để hội nhập cùng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế. Dự thảo đã được Hội đồng đánh giá cao và xếp loại Xuất sắc.


Nguyễn Hồng Trang

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)