Mốc ngã ba biên giới được xây dựng là biểu tượng thể hiện rõ nét ý chí, nguyện vọng và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân ba nước trong thiện chí hợp tác giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, là minh chứng thể hiện sự tin cậy, hiểu biết và tinh thần hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam-Campuchia-Lào.
Ngày 10/10/2005, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia đã ký Hiệp ước giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới Quốc gia năm 1985. Cùng với Hiệp ước hoạch định biên giới Quốc gia Việt nam - Campuchia năm 1985, Hiệp ước bổ sung năm 2005 đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hoà bình, hợp tác toàn diện giữa hai nước và là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để hai nước cùng nhau giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền, góp phần bảo vệ an ninh biên giới, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống của nhân dân hai nước trong khu vực biên giới.
Dự kiến trên toàn tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia có 3 loại mốc: Mốc đại mốc A; mốc trung mốc B và mốc vùng ngập lũ mốc C.
Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì công tác thiết kế, sản xuất, vận chuyển, bàn giao và chỉ đạo xây dựng và lắp đặt cột mốc bảo đảm đúng tiến độ chung cả hai bên.
Trên ý tưởng cơ bản của mốc được xây dựng tại đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Vật liệu làm mốc bằng đá granit liền khối có màu ghi sáng. Thân các cột mốc A, B và C giống nhau về kiểu dáng, hình thức nhưng khác nhau về kích thước. Riêng cột mốc đại mốc A có kích thước lớn nhất và có gắn quốc huy. Các mốc vùng ngập lũ có thiết kế riêng về đế, bệ cũng như móng cột mốc nhằm đảm bảo dễ nhận biết, vững chắc, ổn định và thân mốc không bị ngập bất cứ hoàn cảnh nào.
Riêng đối với cột mốc ngã ba biên giới: Thân mốc hình trụ tam giác có chóp được sản xuất bằng đá granite liền khối màu ghi sáng, trên mặt mốc có gắn quốc huy ba nước, có tên nước và năm cắm mốc. Thân mốc có chiều cao 1,6m và gắn với đế hình tròn. Khối lượng thân mốc nặng khoảng 1.400kg.
Mỗi khu vực cửa khẩu quốc tế có những đặc điểm riêng và những bản sắc riêng. Tuy nhiên về cơ bản đều có mốc quốc giới, đế mốc, sân mốc và các khu vực trồng cỏ, hoa.
Về thiết kế quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào: Mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Campuchia; Việt Nam - Lào và Lào - Campuchia được đặt tại đỉnh núi có độ cao 1.086m so với mực nước biển, là vị trí giao điểm của ba đường biên giới Việt Nam - Campuchia; Việt Nam - Lào và Lào - Campuchia. Thiết kế quy hoạch dựa trên quan điểm tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, tạo sự thân thiện môi trường, là một công trình đảm bảo ổn định, vững chắc và dễ nhận biết, cùng với khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và một số di tích lịch sử... vị trí xây dựng mốc có thể trở thành một điểm du lịch hấp dẫn cho nhân dân ba nước và khách quốc tế.
Bộ Xây dựng giao cho Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn thiết kế quy hoạch kiến trúc cảnh quan của cột mốc đại tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài Tây Ninh - Ba Vẹt Svey-rieng và khu vực cột mốc ngã ba biên giới còn các khu vực cửa khẩu khác do chính quyền địa phương lập quy hoạch kiến trúc cảnh quan đồng thời phê duyệt sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Xây dựng.
Căn cứ thiết kế được cấp có thẩm quyền quyết định, Bộ Xây dựng giao cho Viện Khoa học công nghệ lập kế hoạch và sản xuất mốc bằng đá granít liền khối Viện đã ký hợp đồng với Cty Viễn Đông trụ sở tại Quy Nhơn - Bình Định sản xuất đồng thời tiến hành vận chuyển bàn giao cho địa phương đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng góp phần hoàn thành nhiệm vụ của Bộ năm 2007.
Nhiệm vụ xây dựng mốc tại biên giới, Chính phủ giao cho chính quyền các địa phương triển khai thực hiện. Dưới sự giúp đỡ, giám sát của kiến trúc sư, kỹ sư thuộc Viện Quy hoạch ĐT-NT và Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - nhiều địa phương đã hoàn thành công tác xây dựng mốc đúng tiến độ, thiết kế và chất lượng được bảo đảm.
Công trình cột mốc ngã ba biên giới đã được lực lượng xây dựng tỉnh Kon Tum thi công từ tháng 11/2007-16/1/2008. Công trình được xây dựng đúng vị trí, thiết kế và yêu cầu kỹ thuật xây dựng do ba bên thoả thuận dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước. Dưới sự đồng chủ trì của lãnh đạo Bộ Ngoại giao ba nước, lễ khánh thành đã được tổ chức trọng thể vào ngày 18/1/2008.
Cùng với công tác tham gia phân giới cắm mốc trên đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, với thời gian ngắn, tinh thần khẩn trương và trách nhiệm trong năm 2007 công tác phân giới cắm mốc của Bộ Xây dựng đã hoàn thành căn bản được các Bộ, ngành đánh giá cao.
TS Nguyễn Hồng Tiến
Phó vụ trưởng Vụ Hạ tầng KTĐT - Thường trực Ban chỉ đạo PGCM của Bộ Xây dựng.