Bộ Xây dựng triển khai Đề án xây dựng thí điểm nhà ở xã hội: Đúng đối tượng, chất lượng bảo đảm và giá thành hợp lý
Thứ hai, 17/04/2006 00:00
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng qua 12/4, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp hướng dẫn 3 địa phương: Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương triển khai thí điểm một số dự án xây dựng nhà ở xã hội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga.
Hà Nội, TP.HCM đã sẵn sàng, Bình Dương chưa có dự án cụ thể
Theo ông Trịnh Huy Thục, Cục trưởng Cục Quản lý nhà Bộ Xây dựng, mục tiêu của dự án thí điểm nhà ở xã hội NƠXH nhằm lựa chọn các chỉ tiêu hợp lý trong đầu tư, đồng thời lựa chọn mô hình, phương thức quản lý đầu tư và sử dụng hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện tại. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, xây dựng chính sách chung và phổ biến áp dụng rộng rãi tại các địa phương khác.
Để chuẩn bị khi Luật Nhà ở có hiệu lực 1/7/2006, 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đã có bước triển khai tương đối sớm. TP.HCM lựa chọn 5 dự án phân bố tại các quận, huyện, KCN tập trung trên cả 2 loại: Cho thuê, thuê mua và nhà tập thể cho công nhân độc thân thuê. Mới đây nhất, chiều 11/4, Hội nghị BCH Đảng bộ TP.HCM lần III đã thông qua việc xây dựng NƠXH. Bên cạnh việc chuẩn bị quỹ đất, TP.HCM còn triển khai các công tác khác như: Điều tra xã hội học; tổ chức thi mẫu thiết kế căn hộ điển hình… với mục tiêu sẽ xây dựng 2.225 căn hộ chung cư thí điểm cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức và sĩ quan quân đội; 178 phòng ở cho công nhân KCN, KCX. Hiện tại có dự án đã chuẩn bị được mặt bằng thi công.
Tương tự, đại diện TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở bám sát đề cương hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Hà Nội đã có văn bản lựa chọn địa điểm đầu tư từ 20% quỹ đất Khu đô thị mới Việt Hưng do TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD để lại, quy mô 2,5 - 3ha xây dựng khoảng 1.000 căn hộ cho các đối tượng thuê theo quy định của đề án. Hà Nội đã giao Liên đoàn Lao động TP khảo sát, tập hợp nhu cầu. Dự kiến trong tháng 4 này, Hà Nội sẽ thông qua các nội dung cơ bản và quyết tâm khởi công trong năm nay tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.
Cũng được chọn thí điểm xây dựng NƠXH nhưng Bình Dương chưa xây dựng được phương án cụ thể cũng như chưa chọn được dự án. Tuy nhiên, là một địa phương có các KCN phát triển, tập trung đông công nhân lao động, Bình Dương cũng rất ý thức trong việc giải quyết nhà ở cho CNVC-LĐ, đã thu hồi đất trên 30 khu dân cư để triển khai dự án thí điểm. Bình Dương dự kiến sẽ giải quyết 1 triệu m2 chỗ ở với 20.000 căn hộ từ chương trình thí điểm.
Kiến nghị chung: Cơ chế!
Về các dự án chuẩn bị triển khai, Thứ trưởng Tống Văn Nga đánh giá cao quyết tâm của Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương. Bộ Xây dựng và 3 địa phương đều nhất trí sẽ xây dựng phương án thực hiện, trình Chính phủ xem xét, thông qua vào trung tuần tháng 5 tới. Nội dung đề án thí điểm phải tuân thủ các quy định của Luật Nhà ở như: Vị trí xây dựng phải gắn kết với những dự án khu đô thị mới và nhà ở thương mại, để người dân trong khu NƠXH không bị thiệt thòi về hưởng thụ hạ tầng; nhà ở không quá 6 tầng, không đầu tư thang máy, giảm giá thành đến mức tối đa cho phép để người dân được hưởng giá thuê hợp lý dự kiến giá xây dựng trung bình 2 - 2,5 triệu đồng/m2, giá thuê chiếm khoảng 25% mức thu nhập của hộ gia đình là phù hợp; diện tích căn hộ thấp nhất là 30m2, cao nhất là 60m2…
Những ý kiến trao đổi của các địa phương và một số chuyên gia cho thấy nổi lên một số vấn đề còn phân vân. Đó là: Về cơ chế chính sách áp dụng thí điểm và vốn đầu tư. Đại diện TP Hà Nội cho biết, để việc triển khai dự án nhanh chóng, hiệu quả, Hà Nội đã chỉ định chủ đầu tư là BQL DA vốn ngân sách TP, đề nghị cho phép tiếp tục chỉ định nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công. Về cơ chế miễn giảm thuế, các địa phương cũng đề nghị được miễn tiền sử dụng đất; duy trì lãi suất bảo toàn vốn mức 3%/năm; thời gian thu hồi vốn kéo dài 40 năm với nhà ở cho thuê và 15 năm với nhà ở thuê mua; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT cho các doanh nghiệp tham gia tư vấn, thi công và quản lý NƠXH. Về vấn đề vốn, các dự án trong Đề án thí điểm đều sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, khi triển khai rộng rãi, các địa phương vẫn rất cần có sự hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, đặc biệt là hỗ trợ cho các TP lớn có đông lực lượng cán bộ viên chức của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.
Trước ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, cần thể hiện rõ yếu tố xã hội trong đề án, ông Trịnh Huy Thục khẳng định việc triển khai hiệu quả Đề án NƠXH sẽ góp phần kéo thị trường giá nhà cho thuê không do Nhà nước sở hữu giảm xuống còn 50% so với mức hiện nay. Dự án thí điểm cần chọn các đối tượng điển hình trong số các đối tượng xã hội được quy định trong Luật Nhà ở. Tuy nhiên, ông Thục cũng đặc biệt kêu gọi các địa phương, các bên tham gia thực hiện đề án NƠXH phải quán triệt kỹ mục tiêu của Đề án, thể hiện cái Tâm với các đối tượng CNVC-LĐ có mức thu nhập chưa cao, tạo cơ hội cho họ được sống trong những căn hộ giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 30, ngày13/4/2006