Báo cáo công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
Thứ sáu, 14/04/2006 00:00
Nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, sắp tới Bộ Xây dựng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị bàn về công tác quản lý nhà nước về chất lượngcông trình xây dựng sau hơn một năm thực hiện Luật Xây dựng; Ngày 13/4/2006 Bộ Xây dựng đã ra Công văn số 629/BXD-GĐ gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương báo cáo công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tại các địa phương và gửi về Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
Nội dung báo cáo công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cần đề cập đến 3 vấn đề chính: Việc triển khai áp dụng pháp luật trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, Mô hình quản lý chất lượng công trình xây dựng tại địa phương, cuối cùng là Công tác kiểm tra và chứng nhận sự phù hợp.
Việc triển khai áp dụng pháp luật trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng chú ý việc áp dụng Nghị định 209/2004/NĐ-CP về thời gian và quá trình thực hiện, mức độ đáp ứng về năng lực con người, tổ chức, phương tiện của địa phương so với các yêu cầu của Luật Xây dựng; những vấn đề vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất hướng khắc phục. Trong công tác hướng dẫn và kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể nêu các danh mục văn bản mà UBND tỉnh đã ban hành để hướng dẫn thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, số lượng các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong xây dựng cho các Sở, quận, huyện, phường ,xã, vùng sâu, vùng xa...
Về mô hình quản lý chất lượng công trình xây dựng tại địa phương chú ý báo cáo 10 vấn đề chính:
1. Việc phân cấp về quản lý chất lượng công trình xây dựng thời gian UBND tỉnh ban hành văn bản quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, mô hình phân cấp được cho là phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
2. Sự phối hợp của Sở Xây dựng và các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.
3. Mức độ đáp ứng % về nhân sự của Sở Xây dựng, các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND quận, huyện, xã để thực hiện được nhiệm vụ theo phân cấp.
4. Công tác giám sát của nhân dân số lượng thông tin cung cấp, xử lý...
5. Nhận xét chức năng của công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng với thanh tra Xây dựng mức độ chồng chéo, tổ chức thực hiện
6. Kết quả công tác kiểm tra các Ban quản lý dự án về điều kiện năng lực theo quy định, xử lý đối với các Ban quản lý dự án không đủ điều kiện...
7. Kết quả công tác kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng khác đối với nhà thầu thiết kế, nhà thầu giám sát thi công xây dựng, điều kiện năng lực, nhiệm vụ được giao...
8. Đánh giá về mức độ kiểm soát sự tuân thủ pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
9. Biện pháp để quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn có hiệu quả.
10. Vai trò của các Trung tâm kiểm định chất lượng thuộc Sở, mức độ phát huy của các đơn vị thực hiện các hoạt động kiểm định chất lượng trên địa bàn, đề xuất các vấn đề cần giải quyết...
Báo cáo gửi về Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng trước ngày 20/4/2006.
Nguyễn Thị Đỗ Hạo