Nghiệm thu dự án sự nghiệp kinh tế "Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng xuất khẩu vật liệu xây dựng đề xuất giải pháp thâm nhập thị trường khu vực và thế giới"
Sự cần thiết của dự án
Để phát triển bền vững công nghiệp VLXD, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng chiến lược xuất khẩu và có những chính sách để thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường thế giới những sản phẩm và nguyên liệu sản xuất VLXD mà họ có thế mạnh.
Chính vì vậy các sản phẩm VLXD ngày càng được lưu thông rộng rãi trên toàn cầu và nhiều loại đã thâm nhập và thị trường nước ta. Ngành công nghiệp VLXD nước ta hiện đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng nhờ sự đầu tư đổi mới công nghệ trong hơn một thập kỷ qua. Trong nhiều lĩnh vực, các dây chuyền sản xuất VLXD Việt Nam đã từng bước theo kịp và hoà nhập với trình độ công nghệ trên thế giới, đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và đã có những loại sản phẩm đã xuất ra thị trường quốc tế.
Đã đến lúc ngành công nghiệp VLXD Việt nam phải xây dựng cho mình một chiến lược xuất khẩu bởi trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới có rất nhiều cơ hội để tham gia thị trường chung song cũng có rất nhiều thách thức bị các nước xâm chiếm thị trường trong nước.
Chính vì vậy năm 2005 Bộ Xây dựng giao cho Hội VLXD Việt Nam tiến hành nghiên cứu dự án : "Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng xuất khẩu vật liệu xây dựng. Đề xuất giải pháp thâm nhập thị trường khu vực và thế giới".
Thông tin chung về dự án
Cấp quản lý: Bộ Xây dựng
Cơ quan chủ trì: Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam
Chủ nhiệm dự án: TS. Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội VLXD VN
Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng nghiệm thu ngày 3/3/2006.
Mục tiêu của dự án
Từ kết quả điều ra, khảo sát của dự án giúp các cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định chiến lược xuất khẩu vật liệu xây dựng và xây dựng các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ công tác xuất khẩu vật liệu xây dựng, đồng thời giúp các doanh nghiệp lực chọn hướng đầu tư phát triển sản xuất để xuất khẩu sản phẩm vật liệu xây dựng.
Nội dung của dự án
Nội dung của dự án bao gồm 3 phần:
1. Những yếu tố tác động đến công tác xuất khẩu vật liệu xây dựng ở Việt Nam
- Các cơ chế, chính sách xuất, nhập khẩu của Chính phủ Việt Nam.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ xuất khẩu của Việt Nam.
- Tình hình xuất, nhập khẩu VLXD của các nước trong khu vực và trên thế giới.
2. Thực trạng xuất khẩu VLXD ở Việt Nam
- Hiện trạng sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có khả năng xuất khẩu ở Việt Nam
- Tình hình xuất khẩu vật liệu xây dựng ở Việt Nam
- Đánh giá công tác xuất khẩu Vật liệu xây dựng ở Việt Nam.
3. Định hướng và các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vật liệu xây dựng ở Việt Nam
- Định hướng xuất khẩu vật liệu xây dựng giai đoạn 2006 - 2015
- Các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu vật liệu xây dựng.
Kết quả của dự án
- Dự án đánh giá những mặt đã đạt được cũng như những khó khăn tồn tại để đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác xuất khẩu VLXD, xác định mục tiêu phấn đấu về xuất khẩu VLXD của toàn ngành cho các giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015.
- Dự án giúp các cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định chiến lược xuất khẩu VLXD, điều chỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất hàng hoá, xây dựng thương hiệu và xúc tiến xuất khẩu.
Dự án đã được Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng đánh giá đạt loại xuất sắc.
Phạm vi áp dụng
Kết quả của dự án có thể sử dụng trong công tác quản lý Nhà nước./.
Lương Thuỷ