Chỉ thị của Bộ Xây dựng về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2006 đối với các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng
Ngày 21/03/2006 Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 02/2006/CT-BXD về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2006 đối với các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, thực hiện tốt Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng công ty, Công ty mẹ trong mô hình Công ty mẹ - Công ty con; Giám đốc các công ty độc lập và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng cụ thể hoá và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành kế hoạch năm 2006 của đơn vị mình.
Về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
1. Rà soát, cân đối và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2006 của đơn vị, bảo đảm tính khả thi và mục tiêu tăng trưởng gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu lợi nhuận trên doanh thu, tỷ suất lợi nhuận trên vốn được giao, thực hiện các giải pháp lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 2006 của các đơn vị phải được đăng ký chính thức, gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 30/04/2006. Kế hoạch đăng ký là cơ sở cho đơn vị thực hiện, đồng thời là căn cứ để Bộ theo dõi, kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển của đơn vị.
2. Tăng cường công tác tiếp thị, thông tin thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó đặc biệt coi trọng đến việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp; mở rộng và đa dạng hoá sản phẩm, các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh.
3. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ; xây dựng cơ chế quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với mô hình tổ chức mới. Kiên quyết chấm dứt tình trạng can thiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con, công ty liên kết bằng mệnh lệnh hành chính. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển của đơn vị; tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức và kỹ năng quản lý cho lực lượng cán bộ, bảo đảm có đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định.
Rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức lao động và các định mức khác để áp dụng trong nội bộ phù hợp với đặc điểm ngành nghề kinh doanh, mô hình tổ chức sản xuất, trình độ trang thiết bị của từng đơn vị. Các định mức phải được phổ biến công khai đến từng lao động trong doanh nghiệp biết để thực hiện và kiểm tra giám sát.
4. Đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng: cần đánh giá lại toàn diện thực trạng sản xuất và mạng lưới tiêu thụ sản phẩm; rà soát, đánh giá lại công nghệ sản xuất, các chỉ tiêu tiêu hao, nguồn cung cấp nguyên vật liệu; nghiên cứu áp dụng các hình thức đấu thầu cung cấp nguyên, vật liệu đầu vào; tập trung giải quyết vật tư, sản phẩm bị tồn đọng; có giải pháp huy động, bổ sung vốn cho sản xuất, giảm thiểu nợ vay ngân hàng; thay đổi mẫu mã sản phẩm, nghiên cứu khả năng chuyển đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường.
5. Đối với lĩnh vực xây lắp: tập trung bố trí, sắp xếp lại lực lượng, nâng cao năng lực về trang thiết bị, nhân lực theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chủ động để có thể vươn tới đảm nhận vai trò tổng thầu đối với các dự án lớn. Tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, bảo đảm khối lượng, tiến độ, chất lượng và điều kiện an toàn lao động. Thực hiện nghiêm túc các hợp đồng giao nhận thầu xây dựng theo các quy định của pháp luật. Kiên quyết chấm dứt tình trạng bỏ giá thầu dưới giá thành dẫn đến tình trạng thua lỗ khi thực hiện hợp đồng.
6. Đối với lĩnh vực tư vấn: sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ theo hướng gọn, nhẹ; tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức tư vấn trong nước và ngoài nước; nâng cao chất lượng các dịch vụ tư vấn, phấn đấu để tiến tới có thể thực hiện vai trò tổng thầu tư vấn xây dựng các dự án lớn, phức tạp và đảm nhận được những công việc hiện vẫn đang phải thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài.
7. Về thực hiện lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp: các đơn vị, doanh nghiệp cần đối chiếu, rà soát và phân loại các khoản nợ phải thu, các khoản nợ phải trả đặc biệt là nợ vay đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng sứ vệ sinh, gạch ceramic, granit, các dự án xi măng,…; tập trung xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi, các sản phẩm, vật tư bị tồn kho, ứ đọng; xây dựng và tổ chức triển khai các phương án cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp, các phương án huy động vốn hợp lý, có hiệu quả nhất.
Về nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển cần triển khai các công việc trọng tâm sau:
1. Tiếp tục tổ chức rà soát lại các dự án đã và đang đầu tư, danh mục các dự án dự kiến đầu tư trong năm 2006 và giai đoạn 2006-2010, báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 15/4/2006. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21/2005/CT-TTg ngày 15/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn nhà nước và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng; Chỉ thị số 02/2005/CT-BXD ngày 31/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về năng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng đối với các đơn vị do Bộ Xây dựng quản lý.
2. Đối với các dự án đầu tư khởi công mới: phải chọn lọc, đầu tư có trọng điểm, bảo đảm hiệu quả kinh tế; các giải pháp huy động vốn đầu tư phải khả thi, phù hợp với năng lực và khả năng của đơn vị; đảm bảo tiến độ, chất lượng, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thực hiện đầu tư xây dựng; chủ động tìm kiếm, đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư; kiên quyết không khởi công các dự án đầu tư không đủ thủ tục và chưa rõ về hiệu quả.
Đối với các dự án đang thực hiện đầu tư: tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm, nhất là các dự án trọng điểm về xi măng, các dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh, có hiệu quả; có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm đang triển khai chậm.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển khu đô thị: Tập trung giải quyết các vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng; tính toán lại hiệu quả, tính khả thi, tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở xem xét, đánh giá kỹ ảnh hưởng, tác động của các yếu tố khách quan đến thị trường bất động sản trong thời gian gần đây do thay đổi cơ chế chính sách, giá cả, quan hệ cung - cầu của thị trường, khả năng huy động vốn đầu tư cho dự án, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác tiếp thị, quảng cáo; hoàn thiện cơ chế và đa dạng hoá phương thức bán hàng.
Đối với các dự án đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng: phải thực hiện việc thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng theo quy định; có kế hoạch khai thác, sử dụng có hiệu quả tài sản đã đầu tư, đảm bảo trả được nợ vay đầu tư; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ, cơ chế quản lý mới để hạ giá thành, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bao gồm vốn đầu tư phát triển, chương trình mục tiêu, sự nghiệp kinh tế, khoa học, ODA, sửa chữa thường xuyên...: căn cứ kế hoạch vốn đầu tư năm 2006 đã được Bộ giao, các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức triển khai dự án theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
3. Thực hiện nghiêm các quy định, trình tự, thủ tục và phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng; các chủ thể tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng phải bảo đảm có đủ điều kiện, năng lực theo quy định của pháp luật. Công tác công tác giám sát, đánh giá đầu tư các dự án phải được tổ chức thường xuyên theo quy định, bảo đảm chất lượng và có hiệu quả, có báo cáo định kỳ gửi về Bộ. Nội dung báo cáo của đơn vị về đầu tư phải thể hiện được giá trị khối lượng thực hiện đầu tư, khối lượng vốn được giải ngân tương ứng với từng thời kỳ báo cáo và các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Tổ chức thực hiện:
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, các đơn vị phải quán triệt, phổ biến rộng rãi và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Luật Xây dựng, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn được ban hành kèm theo; quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng và các Chương trình hành động của Bộ Xây dựng Chương trình thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Chương trình cải cách hành chính; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá tác động của việc triển khai các Chương trình này đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của đơn vị.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của đơn vị; phát hiện những tiêu cực, yếu kém trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển để kịp thời có các giải pháp khắc phục.
Kiện toàn, củng cố toàn diện hệ thống mẫu biểu báo cáo thống kê, báo cáo tài chính của đơn vị và tổ chức thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Luật Thống kê, Luật Kế toán. Xây dựng cơ chế kiểm soát giữa Tổng công ty, Công ty mẹ với các đơn vị thành viên và các công ty con, nhất là đối với các doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hoá. Thực hiện nghiêm việc kiểm toán bắt buộc và công khai tài chính trong các Tổng công ty, Công ty nhà nước.
Từng đơn vị thuộc Bộ khẩn trương xây dựng Chương trình hành động cụ thể của đơn vị mình và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Nguyễn Thị Đỗ Hạo