UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, khảo sát công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 trên địa bàn.
Ảnh minh họa
Theo đó, TPHCM sẽ lập 5 đoàn công tác gồm Thường trực UBND TPHCM, lãnh đạo Văn phòng UBND Thành phố và các sở, ngành liên quan. Thời gian kiểm tra từ tháng 5 đến hết tháng 6/2024 và đột xuất theo yêu cầu công tác.
Phát hiện những mô hình, gương điển hình, sáng tạo để nhân rộng
Đoàn sẽ kiểm tra, khảo sát công tác CCHC về các chỉ số gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đoàn cũng sẽ trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục, nâng cao các chỉ số như: Chỉ số CCHC (PAR Index); chuyển đổi số (DTI); năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Bên cạnh đó, kiểm tra việc áp dụng các mô hình, giải pháp, sáng kiến trong công tác CCHC tại đơn vị; kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế (nếu có).
Theo UBND Thành phố, kế hoạch nêu trên nhằm đánh giá chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC, chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại, kịp thời chấn chỉnh, đề xuất biện pháp, giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác CCHC những năm tiếp theo.
Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC.
Kịp thời ghi nhận những kết quả đạt được, biểu dương những cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, có đổi mới trong công tác CCHC, mang lại hiệu quả quản lý nhà nước; khắc phục các tồn tại, hạn chế đối với các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt nhiệm vụ công tác CCHC.
Bên cạnh đó, phát hiện những mô hình, gương điển hình, sáng tạo để nhân rộng và làm cơ sở thẩm định, đánh giá Chỉ số CCHC năm 2024 đối với các cơ quan, đơn vị.
UBND TPHCM yêu cầu việc kiểm tra, khảo sát phải đảm bảo khách quan, đúng trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ quy định pháp luật và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành để không gây trở ngại đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.
Kết quả kiểm tra, khảo sát được báo cáo đầy đủ, chính xác, đánh giá khách quan những mặt tích cực đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân. Từ đó, đề ra những giải pháp khắc phục để đẩy mạnh công tác CCHC phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.