Việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) không phải nhiệm vụ riêng lẻ của từng sở, ngành, địa phương nào mà cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia và hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Thanh Chi)
Đó là nội dung Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến của UBND tỉnh Yên Bái với các địa phương sơ kết 2 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra chiều 25/1.
Sau 2 năm triển khai phát triển ứng dụng dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, các cấp, các ngành tỉnh Yên Bái đã ban hành 346 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã thành lập 9 tổ công tác Đề án 06 cấp huyện, 173 tổ công tác cấp xã và 1.364 tổ công tác tại các thôn, bản, tổ dân phố.
Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên hoàn thành kết nối Cổng Dịch vụ công (DVC) tỉnh với Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định, hoàn thành triển khai cung cấp, công khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo chỉ đạo của Chính phủ. Năm 2022, tỉnh Yên Bái đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố về đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ góc độ trải nghiệm người dùng đối với Cổng DVC của tỉnh; là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử trên hệ thống Cổng DVC của tỉnh; đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trên Cổng DVC quốc gia. Đến ngày 14/6/2023, tỉnh đã thu nhận 100% công dân đủ điều kiện được cấp căn cước công dân (CCCD), hoàn thành trước thời hạn Bộ Công an giao 46 ngày.
Về công tác nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu dân cư, tính đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh đã hoàn thành nhập gần 535.200 trường hợp, đạt tỷ lệ 100%; tổ chức xử lý, giải quyết, xác minh thông tin đối với các dữ liệu sai lệch giữa Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gần 23.500 trường hợp; hoàn thành trước thời hạn kế hoạch UBND tỉnh đề ra 14 tháng.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện đã có gần 200 cơ sở thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD hoặc qua ứng dụng VNeID, thực hiện khám sức khỏe cho người lái xe lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT). Tỉnh đã hoàn thành việc đồng bộ hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, đạt tỷ lệ 100%.
Để bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư, Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng công an tiếp tục làm sạch dữ liệu dân cư nhằm đảm bảo dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống”.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái đã phối hợp với lực lượng công an làm sạch, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được gần 772.800 người tham gia có trong Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của tỉnh, đạt 99% tổng số người tham gia BHXH, BHYT trong toàn tỉnh. Sở Y tế phối hợp với lực lượng công an làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID-19, cập nhật trên hệ thống trên 2,2 triệu mũi tiêm, đạt gần 97%. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục cập nhật, hoàn chỉnh thông tin định danh cá nhân của học sinh, giáo viên trên Cơ sở dữ liệu giáo dục - đào tạo và đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, đồng thời làm rõ những nguyên nhân của khó khăn, tồn tại và đề xuất giải pháp để thực hiện tốt Đề án trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 06 (Ảnh: Thanh Chi)
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn ghi nhận và biểu dương nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và các địa phương trong 2 năm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 không phải nhiệm vụ riêng lẻ của từng sở, ngành, địa phương nào mà cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia và hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các thành viên Tổ công tác, thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong triển khai thực hiện Đề án để tổ chức thực hiện.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Đề án 06; tặng bằng khen cho 10 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nhập dữ liệu hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư năm 2023.