Hà Nội: Tăng cường kiểm tra công vụ để cải cách hành chính phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương hành chính

Thứ năm, 25/05/2023 15:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tiếp tục chương trình Giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, sáng 24/5, Đoàn Giám sát HĐND Thành phố, do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn làm trưởng Đoàn, đã làm việc với Sở Nội vụ. Tham gia Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên; thành viên Đoàn giám sát; lãnh đạo một số sở, ngành Thành phố.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại bộ phận Một cửa Sở Nội vụ

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Nguyễn Thị Liễu cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử của cơ quan Sở Nội vụ đã được triển khai toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC có nhiều đổi mới, mang lại kết quả tích cực theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”, “một người, một việc, một đầu mối xuyên suốt”. 

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản của ngành, lĩnh vực được quan tâm, kịp thời tham mưu Thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Nội vụ để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước. Công tác rà soát, chuẩn hóa các quy trình nội bộ giải quyết TTHC 3 cấp thuộc lĩnh vực Nội vụ được quan tâm; việc tham mưu trình công bố TTHC lĩnh vực Nội vụ được thực hiện kịp thời. 

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện đi vào nề nếp. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở được kiện toàn theo hướng tinh gọn; chức năng, nhiệm vụ của các phòng, đơn vị thường xuyên được rà soát đảm bảo không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ. Ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên Sở Nội vụ được nâng lên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, quản lý mang lại hiệu quả cao. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 tiếp tục duy trì nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và giải quyết TTHC, kiểm soát chặt chẽ kết quả thực hiện các nhiệm vụ của phòng, đơn vị và các cá nhân, bộ phận. Chỉ số CCHC và Chỉ số Hài lòng (SIPAS) của Sở Nội vụ qua các năm đều đứng thứ hạng cao. 

Giai đoạn 2021-2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, Sở đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm và giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh. Các nội dung trong Chương trình số 01-CTr/TU được triển khai đồng bộ, đạt kết quả. Các nhiệm vụ, đề án được giao chủ trì đều hoàn thành đúng tiến độ. Công tác CCHC được thực hiện theo đúng lộ trình, kế hoạch; chủ động xây dựng, ban hành kịp thời, đầy đủ hệ thống các văn bản, kế hoạch công tác CCHC giai đoạn 2021-2025 và hằng năm.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh phát biểu tại buổi giám sát

Chỉ số CCHC, SIPAS của Sở đều đứng ở thứ hạng cao (Chỉ số CCHC của Sở năm 2020: 01/22 Sở, cơ quan tương đương Sở; năm 2021: 03/22 Sở, cơ quan tương đương Sở; năm 2022: 02/22 Sở, cơ quan tương đương Sở). Sở đã chủ động rà soát, trình ban hành Quy trình nội bộ giải quyết công việc và các TTHC nội bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Sở có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân; thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thành phố về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được duy trì thường xuyên, đảm bảo đúng quy định. 

Về kết quả tham mưu Thành phố trong công tác CCHC, đồng chí Nguyễn Thị Liễu cho biết, với vai trò cơ quan thường trực công tác CCHC của Thành phố, Sở Nội vụ đã chủ động tham mưu Thành phố triển khai toàn diện các nội dung trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Để cụ thể hóa nội dung CCHC theo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy và Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về CCHC, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND Thành phố kịp thời ban hành, triển khai Kế hoạch CCHC nhà nước của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, xác định trọng tâm CCHC của Thành phố trong 05 năm tới là tiếp tục cải cách TTHC và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, theo phương châm 05 dễ “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, dễ giám sát”. Kế hoạch đã cụ thể hóa các quan điểm, định hướng về CCHC của Thành ủy thành 07 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu của từng lĩnh vực CCHC, đưa ra 53 nhiệm vụ trọng tâm và phân công rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố phải tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Thành phố đặt ra. 

Sở đã tham mưu thành lập Tổ Công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC cấp tỉnh và Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; thành lập Ban Chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số thành phố Hà Nội. Đồng thời, tham mưu Thành phố ban hành các Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và hằng năm về thông tin, tuyên truyền CCHC nhà nước gắn với phong trào thi đua CCHC.

Trong công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát Sở tham mưu Thành phố đổi mới phương pháp theo dõi, kiểm tra CCHC, nhằm kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC; trong đó phương thức kiểm tra kết hợp kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất không báo trước. Hằng năm, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Kiểm tra công vụ và Quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố. Từ năm 2021 đến hết quý I năm 2023, Đoàn Kiểm tra công vụ Thành phố đã thực hiện 123 cuộc kiểm tra công vụ các loại. Việc kiểm tra công vụ thường xuyên, liên tục của Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố đã góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Thủ đô trong công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền trong giải quyết hồ sơ hành chính đối với cá nhân và tổ chức, đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền Thành phố. Từ đó, đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tiến Sỹ phát biểu tại buổi giám sát

Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu UBND Thành phố tập trung chỉ đạo đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố đồng bộ, thông suốt và liên tục, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố. Kết quả, Thành phố đã giảm 02 chi cục thuộc sở, giảm 11 phòng thuộc chi cục thuộc sở; giảm 04 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố, giảm 06 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, giảm 05 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận, huyện, thị xã, giảm 01 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chi cục thuộc sở; giảm 41 phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố; giảm 91 phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số hạn chế, khó khăn đó là: Cơ chế phối hợp liên thông giải quyết TTHC, công việc hành chính với các đơn vị chưa thực sự nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ; công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC chưa đa dạng, phong phú; việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống Phần mềm mới còn một số bất cập, hệ thống bị lỗi treo mạng, phần mềm đang trong quá trình hoàn thiện, còn chưa phù hợp với thao tác thực tế, số lượng hồ sơ lớn dẫn đến công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa gặp nhiều khó khăn để đảm bảo tiến độ xử lý...

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị Sở Nội vụ trao đổi, làm rõ thêm về kết quả giải quyết TTHC, đặc biệt làm rõ nguyên nhân đối với những TTHC còn giải quyết còn chưa đúng hạn; lộ trình thực hiện đơn giản hóa các TTHC, số hóa kết quả giải quyết TTHC; làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong việc rà soát sắp xếp, giảm đơn vị sự nghiệp công lập; việc xây dựng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức, tuyển dụng công chức; xây dựng cơ sở dữ liệu, đặc biệt là số hóa dữ liệu về cán bộ công chức của Thành phố đang được thực hiện như thế nào?...

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận buổi giám sát

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi làm rõ thêm một số nội dung của thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo các sở ngành Thành phố và Sở Nội vụ, phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, công tác CCHC được Thành phố hết sức quan tâm, HĐND Thành phố đã có nghị quyết, do đó công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số phải được quan tâm, đổi mới, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân.

Nhấn mạnh sau giám sát phải đạt được hiệu quả, chuyển biến đối với lĩnh vực này, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến thành viên đoàn giám sát, bổ sung các nội dung đánh giá kết quả đạt được, làm rõ nguyên nhân của tồn tại hạn chế và đưa ra giải pháp trong thời gian tới. 

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở ngành không chủ quan trước kết quả đạt được mà phải lấy đó làm nền tảng để tiếp tục quan tâm, chú trọng, đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn. Trong đó, thời gian tới, Sở Nội vụ cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vai trò quan trọng của công tác CCHC. Đồng thời, tăng cường tham mưu về công tác CCHC của toàn Thành phố, rà soát liên thông, đề xuất các giải pháp đồng bộ theo xu hướng phát triển của Thành phố.

Đặc biệt, Chủ tịch HĐND Thành phố yêu cầu phải tăng cường kiểm tra công vụ, để CCHC phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Nguồn: Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)