Các đại biểu cho rằng, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, công tác cải cách hành chính cũng cần được đổi mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện công tác CCHC phải được nâng cao cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, khả năng tư duy và nhận thức nhanh nhạy, phương pháp nghiên cứu, học tập cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chiều 5/5, Quận ủy 11 tổ chức hội nghị chuyên đề về “Giải pháp thực hiện Chương trình “Cải cách hành chính” gắn với Đề án Xây dựng Quận 11 trở thành đô thị thông minh, giai đoạn 2020- 2025 định hướng đến năm 2030”.
Các đồng chí chủ trì hội nghị
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) chính gắn với Đề án Xây dựng Quận 11 trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020 – 2025 trên địa bàn quận đã đạt được các kết quả tích cực, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Cụ thể, kết quả mức độ hài lòng của cá nhân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tỷ lệ cao, trên 99% (chỉ tiêu là 95%); 100% thủ tục hành chính cấp quận và phường được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực toàn trình đã được đưa lên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP Hồ Chí Minh; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tại quận và phường đạt 100% (trừ hồ sơ đất đai) so với chỉ tiêu đề ra tại Chương trình số 12 của Quận ủy là 95%; Tiếp nhận, giải quyết 10 đơn khiếu nại, 02 đơn tố cáo, đạt tỷ lệ 100%, vượt so với chỉ tiêu Quận ủy đề ra là 90%.
UBND các phường cơ bản đạt chuẩn về trang thiết bị, đã bố trí khu vực cung cấp thông tin, niêm yết thủ tục hành chính các lĩnh vực; bố trí đủ ghế ngồi chờ, bàn để viết, máy tính có kết nối mạng dành cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; lắp đặt camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc 3 của Bộ phận một cửa, hệ thống máy đánh giá hài lòng đối với sự phục vụ của cán bộ.
Một số phường có bố trí khu vực đặt các trang thiết bị: máy lấy số xếp hàng tự động; các màn hình cảm ứng phục vụ tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin, thủ tục hành chính. Trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình, sáng kiến nổi bật đang được áp dụng, giúp người dân, doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, thời gian đi lại; tăng sự tương tác giữa chính quyền với nhân dân, xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, gần gũi với công dân...
Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình chuyển đổi số và Đề án “Xây dựng đô thị thông minh” trên địa bàn quận 11 đến các cơ quan, đơn vị và UBND 16 Phường có sự chuyển biến tích cực, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc triển khai Đề án; các ứng dụng công nghệ thông tin do UBND quận triển khai được sự đánh giá cao từ UBND Thành phố, các địa phương và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ Nhân dân.
Toàn cảnh hội nghị
Tuy nhiên, lãnh đạo quận 11 cũng thẳng thắn thừa nhận, một số hạn chế trong quá trình thực hiện CCHC và triển khai Đề án Xây dựng Quận 11 trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025, như: Tỷ lệ người dân tham gia đánh giá mức độ hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp; Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC ở một số lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực đất đai còn tương đối khó khăn, người dân còn phải liên hệ nhiều hơn 1 lần…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích điểm mạnh, yếu trong công tác CCHC của quận 11, đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong chương trình Cải cách hành chính giai đoạn 2020-2025 Quận đã đề ra; thảo luận, góp ý kiến về 8 nội dung trong điểm, trọng tâm trong công tác CCHC trên địa bàn quận; tìm giải pháp nâng cao chất lượng công tác CCHC trên địa bàn quận 11 thời gian tới…
Các đại biểu khẳng định, thời gian tới, công tác cải cách hành chính nhà nước của Thành phố nói chung, Quận 11 nói riêng phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu đặt ra, đó là các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội thời kỳ công nghiệp 4.0; hội nhập quốc tế sâu, rộng; phục hồi nền kinh tế do những thiệt hại mà đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Đồng thời, công tác CCHC nhà nước giai đoạn tới cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, đó là đảm bảo bắt kịp với xu thế cải cách, phát triển và các định mức tiêu chuẩn của nền hành chính trên thế giới và phải đáp ứng được nhu cầu, mong đợi ngày càng cao của người dân, mang lại sự hài lòng và tin tưởng cho người dân.
Do vậy, các đại biểu cho rằng, công tác CCHC cũng cần phải cải cách và đổi mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện công tác cải cách hành chính phải được nâng cao cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, khả năng tư duy và nhận thức nhanh nhạy, phương pháp nghiên cứu, học tập cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.