Để tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới nền hành chính hiện đại, thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính là một trong nhiều giải pháp hiệu quả. Thanh toán trực tuyến mang lại nhiều tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, minh bạch trong thu ngân sách nhà nước và là tiến trình trong công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc thanh toán trực tuyến của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong các dịch vụ công vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính góp phần vào công cuộc chuyển đổi số.
Dịch vụ công là tổng thể các loại dịch vụ phục vụ cho đời sống hàng ngày bao gồm dịch vụ hành chính công; các dịch vụ sự nghiệp: y tế, giáo dục và các loại hình dịch vụ công ích khác. Tất cả các loại dịch vụ này đề có thể thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia thông qua định danh và danh tính số với chỉ một tài khoản đăng nhập. Chỉ với một vài thao tác đơn giản trên thiết bị có dịch vụ Internet, người dân có thể thực hiện thanh toán các dịch vụ công ở bất cứ đâu.
Hiện nay, hệ thống một cửa điện tử và tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Cà Mau đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Theo chỉ tiêu nhiệm vụ cải cách hành chính đề ra, ít nhất 60% thủ tục có yêu cầu nghĩa vụ thanh toán tài chính thì được thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến ít nhất 10% trở lên.
Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid – 19 vừa là thách thức vừa là cơ hội để đẩy mạnh tỷ lệ thanh toán trực tuyến. Mặc dù các cấp, các ngành đã nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Việc thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đảm bảo so với kế hoạch, chỉ 37/307 thủ tục kết nối thanh toán trực tuyến, chiếm 12,05%. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở cấp tỉnh 24,86%.
Hạn chế đầu tiên phải kể đến là nhân lực trong triển khai thanh toán trực tuyến tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã chưa đảm bảo, người dân chưa tiếp cận được nhiều với hình thức thanh toán trực tuyến. Lý giải cho điều này Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau Hồ Chí Linh cho biết: “Hiện nay, mỗi cơ quan chuyên môn đều có ứng dụng riêng để thực hiện thanh toán cho thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đó. Mặt tích cực cho điều này là người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn khi giao dịch. Tuy nhiên, đây lại là cản trở cho người dân, doanh nghiệp khi không biết phải sử dụng ứng dụng nào thay vì dùng thống nhất trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Từ đó, dẫn đến khó khăn cho cán bộ một cửa các cấp trong công tác hướng dẫn người dân khi thực hiện thanh toán dịch vụ công”.
Thanh toán trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức.
Dân số tỉnh Cà Mau hơn 1,2 triệu người, trong đó gần 40% dân số là độ tuổi vị thành niên và độ tuổi trên 65 tuổi. Đây là đối tượng hạn chế tiếp cận với công nghệ thông tin. Từ đó dẫn đến tỷ lệ giao dịch bằng hình thức trực tuyến thấp trên số dân. Mặc dù tỷ lệ thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến tăng nhiều trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều người dân chọn hình thức trực tiếp và đi kèm với đó hình thức thanh toán điện tử, tức là thanh toán phi trực tuyến với các loại thẻ ATM tại chỗ. Bên cạnh đó, nền tảng về công nghệ có lúc, có nơi chưa được đảm bảo. Quá trình giao dịch nhiều lúc chưa thật sự thông suốt, dẫn đến việc thanh toán trực tuyến bị gián đoạn.
Để phần nào tháo gỡ những vướng mắc trên, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hồ Chí Linh cho biết: “Thời gian tới, để đẩy mạnh tỷ lệ thanh toán trực tuyến cần có sự tích hợp và chia sẻ dữ liệu về thanh toán dịch vụ công một cách đồng bộ và thống nhất giữa các loại dịch vụ công. Để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc lựa chọn và thực hiện các loại dịch vụ công kể cả dịch vụ hành chính, dịch vụ sự nghiệp và các loại hình dịch vụ công ích. Đồng thời, đảm bảo tần suất sử dụng của người dân phải thường xuyên và liên tục. Ngoài ra, cần thiết lập các ứng dụng hỗ trợ người dân thông qua các thiết bị công nghệ thông minh. Trong đó thiết lập việc tự động hóa giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo công nghệ AI. Song song đó, tăng cường tuyên truyền về hình thức thanh toán trực tuyến đến rộng rãi người dân, doanh nghiệp biết đến và thực hiện”.