Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu các chỉ số liên quan và khuyến nghị tại Báo cáo Chỉ số đánh giá và Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) năm 2021 để tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính.
Nghiên cứu Báo cáo APCI, tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính.
Công văn 3318/VPCP-KSTT ngày 30/5/2022 nêu rõ, xét Báo cáo Chỉ số đánh giá và Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) năm 2021 của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:
Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiên cứu các chỉ số liên quan và khuyến nghị tại Báo cáo APCI 2021 để tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành, địa phương mình.
* Báo cáo Chỉ số đánh giá và Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) năm 2021 là báo cáo thứ tư thường niên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong khuôn khổ của Đề án xây dựng và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (Đề án 383) và theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2021 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Báo cáo APCI 2021 ghi nhận ý kiến trải nghiệm của các doanh nghiệp về quá trình giải quyết thủ tục hành chính bởi các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong năm 2021. Khác với những chỉ số đánh giá hoạt động cải cách khác, APCI được thiết kế với kỳ vọng đo lường gánh nặng chi phí thực tế về tuân thủ thủ tục hành chính và tính sáng tạo, tính chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương.
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thông qua các số liệu và thông tin thực tế, APCI phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện các thủ tục hành chính, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách của của bộ, ngành, địa phương.
Kết quả APCI 2021 tiếp tục ghi nhận các nỗ lực của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính trong 9 nhóm được khảo sát tốt hơn các năm trước (2018, 2019 và 2020). APCI 2021 tiến hành khảo sát trên cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021. Do đó, phần lớn các thông tin có trong APCI 2021 sẽ là những thông tin ở giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát chưa mạnh và không phải là thông tin cá biệt của tình trạng dịch bệnh COVID-19 "chưa có tiền lệ" này. Nhận định này cũng phù hợp với thông tin kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính có trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào giai đoạn khảo sát. Những thông tin, phản ánh của APCI 2021 hoàn toàn có giá trị để đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong điều kiện bình thường hoặc trong điều kiện "khởi đầu mới" khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Điểm chi phí tuân thủ so sánh của cả nước ở APCI 2021 có xu hướng tốt hơn so với điểm chi phí tuân thủ ở APCI 2020 (75,9/100 so với 74,1/100). Số liệu này cho thấy nỗ lực cải cách của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc cải cách quy trình làm việc, thủ tục hành chính và phương pháp giao tiếp với công dân, doanh nghiệp... để có thể giảm được chi phí tuân thủ. Nói cách khác, chi phí tuân thủ nói chung đang tiếp tục được cải thiện. Kết quả này ghi nhận công tác cải cách hành chính và quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đang được vận hành đúng hướng. Cải cách thủ tục thành chính và cắt giảm chi phí tuân thủ cần tiếp tục được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 và thời gian tới của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.