Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức Lễ Khai trương Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đưa vào vận hành thử nghiệm.
Dự lễ khai trương có bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Bùi Chí Thành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí UV Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh và Ban lãnh đạo Tập đoàn VNPT.
Toàn cảnh buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với quá trình chuyển đổi số, mô hình đô thị thông minh đã trở thành xu thế tất yếu. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/20218 phê duyệt "Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030" thì mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị thông minh đã trở thành định hướng chung của hầu hết các địa phương trong cả nước.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm là “Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh”, đồng thời xác định “Thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính” là 1 trong 3 khâu đột phá. Theo tinh thần đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Chính quyền tỉnh đã đề ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với nhiều mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và tổ chức triển khai quyết liệt.
Trong mô hình đô thị thông minh, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (hay còn gọi là IOC) được ví như “bộ não số” của các địa phương với khả năng tích hợp, phân tích dữ liệu, cùng với các hệ thống ứng dụng, phần mềm điều khiển trung tâm giúp cho các cấp lãnh đạo nhìn thấy toàn cảnh về địa phương trên mọi lĩnh vực, qua đó có thể giám sát, điều hành công việc một cách hiệu quả. Chính vì vậy, việc xây dựng Trung tâm IOC tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được xác định là 01 trong 12 nhiệm vụ trọng tâm trong Đề án phát triển Đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2022, được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 112/NQ-HĐND ngày 13/12/2019.
Để tìm ra giải pháp kỹ thuật, mô hình vận hành tối ưu, phù hợp với thực tế và định hướng phát triển của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 09/6/2021 về tổ chức triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; theo đó thống nhất giao cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức xây dựng, triển khai thử nghiệm.
Thời gian qua, mặc dù điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng với sự tích cực của đội ngũ triển khai và các cơ quan, đơn vị, đến nay Trung tâm IOC đã hoàn thành 10 phân hệ để đưa ra vận hành thử nghiệm gồm: (1) Hệ thống giám sát hành chính công; (2) Giám sát An toàn thông tin; (3) Giám sát mạng xã hội; (4) Lĩnh vực y tế; (5) Lĩnh vực giáo dục; (6) Lĩnh vực du lịch; (7) Thông tin Tài nguyên và Môi trường; (8) Hệ thống điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; (9) Hệ thống phản ánh kiến nghị; (10) Camera giám sát. Hiện tại, dữ liệu của 14 sở, ban, ngành liên quan đã được thu thập về IOC và hiển thị trực quan trên hệ thống, tạo hệ sinh thái dữ liệu mở, tiến tới sẽ thu thập toàn bộ dữ liệu các ngành trong hệ thống chính quyền tại địa phương, hướng tới kho dữ liệu “Đủ, Đúng, Sạch, Sống”.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ
Trung tâm IOC khi đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ giúp lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng thu thập, đánh giá và phân tích thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, trực quan dựa trên dữ liệu số về các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với việc thu thập, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân sẽ hỗ trợ các cấp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời, chính xác, đồng bộ, hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm", hoạt động của IOC sẽ giúp hạn chế giấy tờ hành chính; đơn giản hóa công tác giám sát, điều hành; công khai, minh bạch thông tin mà người dân cần được biết; tạo nên sự tương tác dễ dàng giữa chính quyền với Nhân dân; góp phần xây dựng nền hành chính thân thiện, vì Nhân dân phục vụ.
Ông Trần Văn Tuấn cũng nhấn mạnh, sự ra đời của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là bước ngoặt quan trọng, là sự khởi đầu cho một quá trình xây dựng, phát triển lâu dài trong tiến trình phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số. Để phát huy công năng, giá trị của Trung tâm này đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và rất cần sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp cùng đồng hành với chính quyền tỉnh cùng sự đồng lòng của nhân dân. Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dữ liệu trong các lĩnh vực và kết nối với IOC để phục vụ công tác giám sát, điều hành. Đồng thời, cần phải tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; xây dựng các quy chế, thiết lập cơ chế vận hành hiệu quả các hệ thống thông tin; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân để có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh.
Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn VNPT nhấn nút khai trương IOC tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Lãnh đạo tỉnh tham quan IOC tỉnh