TP Hồ Chí Minh: Tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm cải cách hành chính năm 2022

Thứ ba, 08/03/2022 14:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính TP Phan Văn Mãi tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 và triển khai công tác CCHC năm 2022.

Sau khi nghe các báo cáo, trình bày tham luận, ý kiến của các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC TP Phan Văn Mãi đánh giá, năm 2021 là năm đầu tiên TP triển khai Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức. Trong bối cảnh, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, vừa tổ chức vận hành cơ chế chính quyền đô thị, tuy gặp nhiều khó khăn, thử thách, TP đã đạt được một số kết quả quan trọng về công tác CCHC.

Năm 2022, Chủ tịch UBND TP yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả CCHC đã đạt được trong thời gian qua và tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm CCHC sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động số 02 và 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm phát triển TP giai đoạn 2020 - 2025 của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần XI; Chương trình tổng thể CCHC nhà nước trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2030.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 131 của Quốc hội, Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến tháng 7/2022, TP sẽ thực hiện sơ kết một năm thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Các cơ quan, đơn vị cần tập trung hoàn thành các công việc trong 6 tháng đầu năm 2022 để đánh giá, nhân rộng những mô hình hiệu quả, tạo tính đồng bộ giữa các ngành, các cấp và sớm nhận diện ra các vấn đề, nội dung để kịp thời kiến nghị điều chỉnh.

Tổ chức tổng kết việc triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP để tiếp tục đề nghị Trung ương ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù của TPHCM một cách phù hợp và lâu dài.

Hai là, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong công tác CCHC nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, góp phần tạo sự chuyển động mạnh mẽ, đồng bộ phát triển TP. Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động thực hiện Chủ đề năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, trong đó lưu ý tập trung xử lý các vấn đề có liên quan đến người dân, doanh nghiệp (phản ánh, đơn thư, hồ sơ tồn động).

Ba là thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động phối hợp, hợp tác giữa các ngành, địa phương, giữa các cán bộ, công chức, viên chức.

Bốn là tập trung các nhiệm vụ trong cải cách thủ tục hành chính để cải thiện phục vụ người dân tốt hơn so với năm 2021. 100% phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp phải được giải quyết đúng hạn trên từng lĩnh vực cao hơn, phản hồi kịp thời, chính xác; 100% hồ sơ trễ hạn phải thực hiện thư xin lỗi theo quy định. Từng cơ quan, đơn vị phải có giải pháp khắc phục hồ sơ trễ hạn tại cơ quan, đơn vị mình.

Đẩy mạnh khuyến khích và tạo thói quen người dân thực hiện yêu cầu qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng.

Năm là xây dựng Đề án, chương trình để đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt. Đặc biệt lưu ý từng cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng cao năng lực, không ngừng học hỏi để kịp thời thích ứng với các thay đổi, chuyển biến, nâng cao sự nhạy bén trong công tác tham mưu.

Sáu là tập trung triển khai đồng bộ các kế hoạch thực hiện kiến trúc chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu dùng chung, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông dữ liệu giữa các ngành, các lĩnh vực, các cấp phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với các hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, tăng cường chuyển đổi số, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Bảy là tiếp tục đổi mới công tác khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả của sự phục vụ của cơ quan hành chính. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM và các đoàn thể chính trị-xã hội nghiên cứu thực hiện các phương thức đánh giá một cách khoa học để tiệm cận với thực tế mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Nguồn: Hochiminhcity.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)