Bộ phận một cửa rút ngắn được thời gian thực hiện thủ tục hành chính - Ảnh VGP/Gia Huy
Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính
Chia sẻ trong ngày tuổi trẻ quận Ba Đình hưởng ứng "Ngày chiến sĩ tình nguyện chung tay giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho nhân dân", anh Thanh Tùng (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) cho biết, 100% Đoàn Thanh niên các phường trên địa bàn quận đã triển khai huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân tới giải quyết các TTHC tại bộ phận một cửa UBND phường.
Trong đó, rất nhiều nội dung đã được đoàn viên thanh niên hướng dẫn như: Tư vấn, hỗ trợ xử lý hồ sơ, TTHC; cung cấp thông tin liên quan về hộ tịch, lao động, bảo hiểm xã hội, cấp đổi thẻ căn cước công dân... Nhờ đó, người dân khi đến bộ phận một cửa đã rút ngắn được thời gian thực hiện TTHC.
Tại quận Nam Từ Liêm, năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã chọn địa bàn làm mô hình điểm để thực hiện trực tuyến mức độ 3 và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC liên thông 3 trong 1 (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi); thủ tục 2 trong 1 (đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú).
Việc thực hiện quy trình liên thông các TTHC đã tạo điều thuận lợi tối đa cho người dân; giúp nâng cao tính thống nhất của thông tin về nhân thân các cá nhân, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú và BHYT; khắc phục tình trạng trẻ em đã được đăng ký khai sinh nhưng chưa được nhập hộ khẩu, cấp thẻ BHYT.
Trước đây, nếu thực hiện 3 thủ tục riêng lẻ thì người dân mất 28 ngày làm việc, đi lại 6 lần, thì nay, khi thực hiện thủ tục liên thông tại quận Nam Từ Liêm, người dân chỉ cần 2 lần đến UBND phường và 5-7 ngày sau là nhận được 3 kết quả: Giấy khai sinh, thẻ BHYT và đăng ký hộ khẩu thường trú.
Nhiều kết quả về cải cách hành chính (CCHC) TP. Hà Nội đạt được trong thời gian qua là do UBND các quận, huyện đã nhận thức công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, thường xuyên gắn với trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình.
Tiến bộ về hiệu lực, hiệu quả quản lý
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, mặc dù phải tập trung cao độ phòng chống dịch COVID-19, trong 2 năm qua, công tác CCHC tiếp tục được UBND Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Trong đó, Thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt, điều hành toàn diện, đồng bộ các nội dung CCHC, từ cải cách thể chế, TTHC đến cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Nhờ những nỗ lực trong CCHC, bộ máy chính quyền Thành phố đã có những bước tiến bộ đáng ghi nhận về năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp hơn với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị; từng bước đổi mới, hoàn thiện theo hướng đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn xã hội và nhân dân.
Với kết quả đó, chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền Thành phố năm 2020 có sự chuyển biến rõ rệt: Chỉ số PAR INDEX nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước (xếp thứ 8/63); chỉ số do lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) tăng 19 bậc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 11 bậc.
Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại TP. Hà Nội đã tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức và hành động trong quá trình thực thi công vụ - Ảnh VGP/Gia Huy
Đối với việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 10/2021, Hà Nội đã có 146/175 phường (đạt tỉ lệ 83,4%) thực hiện ủy quyền cho công chức tư pháp-hộ tịch.
Theo đánh giá, bước đầu việc Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực đã giúp nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC, đơn giản hóa quy trình, giảm đáng kể thời gian thực hiện, công dân có thể nhận kết quả ngay khi đến giao dịch tại UBND phường, không phải chờ đợi trong nhiều giờ hay phải đi lại nhiều lần.
Việc ủy quyền cũng giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho công chức tư pháp - hộ tịch chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc, giảm áp lực công việc và tăng đáng kể thời gian giải quyết các công việc khác cho lãnh đạo UBND phường.
Hiện nay, Thành phố đang rà soát, đánh giá các nhóm TTHC liên thông và xây dựng quy trình liên thông về: Nhận con nuôi (trong nước) và lý lịch tư pháp; cấp phép xây dựng (cấp huyện) - cung cấp thông tin quy hoạch và cung cấp thông tin địa chính; cấp giấy CNQSD đất - thuế - công chứng.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố tăng cường việc tiếp nhận và trả kết quả tới công dân qua hệ thống bưu chính công ích, hình thức trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố, Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. Đến nay, 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đều bảo đảm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Đội ngũ cán bộ, công chức được kiện toàn tại bộ phận một cửa đáp ứng đầy đủ về năng lực, chuyên môn công tác, kinh nghiệm thực tế và không sử dụng lao động hợp đồng làm công tác tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận này - đảm bảo nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại một số cơ quan, đơn vị được quan tâm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân, tổ chức, cán bộ, công chức khi tiếp nhận, thực hiện TTHC.
Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Năm 2022, Hà Nội xác định, ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC.
Để thực hiện, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, giải pháp cụ thể là thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử Thành phố và ban ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để đảm bảo công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thông suốt, liên tục, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chính quyền điện tử, chính quyền số.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền năm 2021 và các năm tiếp theo, UBND Thành phố xác định thực hiện toàn diện các nội dung CCHC theo Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ giai đoạn 2021-2030; phát huy hiệu quả hoạt động Tổ Công tác của Thành phố về đôn đốc, rà soát các nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động của Thành phố (CCHC, SIPAS, PAPI); xác định rõ trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với kết quả và nhiệm vụ CCHC của Thành phố.
Ngoài ra, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trực tuyến; tăng cường các hình thức thông tin, tương tác với người dân về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết TTHC; tiếp tục nghiên cứu những vấn đề mới, đột phá đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô nhằm khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô.