Theo đó, Kế hoạch xác định công tác cải cách hành chính phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính tại đơn vị, địa phương. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có kết quả một cách thực chất, mang tính đột phá, tạo sự chuyển biến rõ rệt, từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với kiểm soát quyền lực; đồng thời bám sát những định hướng chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ. Công tác cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước do đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Kế hoạch xác định công tác cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm (Ảnh: sưu tầm từ Báo Ninh Thuận)
Mục tiêu của Kế hoạch là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ trên các lĩnh vực trong các cơ quan hành chính Nhà nước gắn kết đồng bộ với các cơ quan khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ theo vị trí việc làm, uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; tạo nên sức mạnh tổng hợp để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện gồm:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, phân định rõ trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp, tính khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước.
- Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, dịch vụ công và các thủ tục hành chính liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
- Tiếp tục đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm bớt đầu mối. Tăng cường xã hội hóa, tăng nguồn thu đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Kiên quyết chuyển sang cơ chế tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên đối với những đơn vị sự nghiệp đảm bảo đủ điều kiện.
- Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá cán bộ, công chức gắn với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ. Đổi mới công tác tuyển dụng, công tác bố trí cán bộ theo hướng chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh, dân chủ, công khai, minh bạch. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm về kỷ luật, kỷ cương hành chính và về đạo đức công vụ.
- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, lưu trữ số góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các yêu cầu trong việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001-2015; duy trì hoạt động Ban chỉ đạo ISO của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền, phổ biến về Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015.
- Quan tâm bố trí nguồn lực kinh phí hợp lý, đúng mức, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác cải cách hành chính./.