Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) tại tỉnh Bến Tre luôn được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đạt những kết quả tích cực.
CCHC được triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn. (Ảnh: Hữu Hiệp/Báo Đồng Khởi).
Triển khai đồng bộ
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre cho biết: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo một cách sâu sát , toàn diện; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc để UBND cùng với các ngành, các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác CCHC. Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29/12/2020 của Tỉnh ủy về về CCHC giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, với nhiệm vụ đột phá là đưa chỉ số CCHC (PAR-INDEX) của tỉnh vào nhóm 20 có chỉ số CCHC cao, thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính cụ thể, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp rõ ràng. Công tác kiểm soát Thủ tục hành chính tại các đơn vị, địa phương trong thời gian qua được triển khai đồng bộ, thống nhất và đạt hiệu quả. Bộ máy hành chính hoạt động ổn định, UBND tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở tại các đơn vị hành chính mới sáp nhập đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Bến Tre cũng từng bước cơ cấu hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn trình độ và năng lực thi hành công vụ theo vị trí chức danh.
Đặc biệt, việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính ở địa phương, tạo sự hài lòng cao nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre nhấn mạnh: Qua thực hiện, công tác CCHC của tỉnh Bến Tre đã có nhiều chuyển biến, kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy, hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục được củng cố, cải cách hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí sử dụng phù hợp với trình độ, năng lực và không ngừng được cải thiện; công tác cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính được đẩy mạnh thực hiện, đã mang lại một diện mạo mới về quan hệ, giao tiếp giữa các cơ quan, đơn vị với người dân, doanh nghiệp và góp phần tạo được sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân; hiệu quả lãnh đạo, điều hành kính tế- xã hội, quản trị nền hành chính công và sự phục vụ Nhân dân của các cấp, các ngành tỉnh luôn được Trung ương đánh giá khá cao.
Việc ứng dụng Công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số đang được tỉnh Bến Tre triển khai quyết liệt, đồng bộ. (Ảnh: Phan Hân/Báo Đồng Khởi)
Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được đẩy mạnh, góp phần thay đổi nền hành chính một cách sâu sắc. Ứng dụng hệ thống quản lý và điều hành văn bản (VNPT- iOffice), giúp nâng cao hiệu quả quản lý công việc của cơ quan, đồng thời nâng cao tỷ lệ văn bản điện tử của địa phương. Việc đưa vào hoạt động cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh, đi kèm với cung ứng mức độ 3,4 đối với đa số thủ tục hành chính đã làm thay đổi cách tiếp nhận, xử lý và trả kết quả giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
100% Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trên địa bàn lên Cổng DVCTT của tỉnh. Đến nay, số lượng DVCTT mức độ 4 được cung cấp là 1.030 thủ tục (Trong đó: cấp tỉnh là 952 thủ tục; cấp huyện là 53 thủ tục; cấp xã là 25 thủ tục).
Để hoàn thành việc cung cấp 100% DVCTT mức độ 4 theo Kế hoạch, tỉnh đã chủ động ban hành Quyết định về thành lập Tổ giúp việc để triển khai thực hiện nhiệm vụ và tổ chức thực hiện theo hình thức tập trung. Về cách thức thực hiện, Sở thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch thực hiện của Tổ giúp việc theo trình tự một cách bài bản và có tính khoa học cao. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp ngày càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng và tiện ích của việc giao dịch hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.
Hiện tại, chỉ tiêu cung cấp DVCTT mức độ 4 đã được các cơ quan, đơn vị hoàn thành đúng theo tiến độ. Hầu hết, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã sẵn sàng cho việc thực hiện DVCTT mức độ 4 được cung cấp trên Cổng DVCTT của tỉnh.
Thời gian gần đây, hầu hết các đơn vị từ cấp xã, huyện, tỉnh trên địa bàn đã tập trung đầu tư chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính. Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong bối cảnh COVID-19 được Sở Công thương tỉnh Bến Tre đã không ngừng đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các DVCTT, thực hiện TTHC trên môi trường mạng.
Hiện tại, Sở Công Thương có 121/121 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, tất cả 100% hồ sơ giải quyết TTHC đều được xử lý trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh VNPT-iGate. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện TTHC bằng hình thức nộp trực tuyến. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 5.232 hồ sơ nộp qua mạng, chiếm hơn 65% trên tổng số hồ sơ, tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu vào các TTHC thuộc lĩnh vực Xúc tiến thương mại (chiếm 99% số lượng hồ sơ TTHC trực tuyến). Ngoài ra, Sở Công Thương đã đồng bộ 97/121 TTHC mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để kết nối, đồng bộ dữ liệu đối với các TTHC còn lại, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng.
Thời gian qua, việc tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây… đã được ngành Y tế tỉnh Bến Tre ứng dụng trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, cũng như trong công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân và quản lý dược. Qua đó tạo điều kiện cho việc quản lý dữ liệu dân cư của tỉnh trong việc tham gia bảo hiểm y tế, theo dõi hồ sơ sức khỏe điện tử; nhiều đơn vị khám chữa bệnh tuyến tỉnh, TP và trung tâm y tế huyện đã thực hiện triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Từ chỉ chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị đã nỗ lực trong công tác chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh trở thành địa phương chuyển đổi số thành công trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng thành công chính quyền điện tử, đến cuối năm 2025, toàn bộ hệ thống chính quyền phải vận hành trên môi trường mạng./.