Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được các ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh quan tâm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống địch Covid-19.
Cán bộ Sở Tư pháp giải quyết TTHC cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh luôn đảm bảo thực hiện tốt biện pháp vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân đến làm TTHC. Trung tâm kiểm soát người ra, vào bằng nhiều biện pháp: Đo thân nhiệt, yêu cầu công dân khai báo y tế, cài đặt bluezone, đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách theo quy định.
Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo điện tử, lưu trữ dữ liệu truy vết của công dân khi đến giao dịch; hướng dẫn tổ chức, người dân đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích. Trung tâm thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Trung tâm phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị rà soát đội ngũ cán bộ cử đến làm việc tại Trung tâm, đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ theo quy định; hướng dẫn, phổ biến quy chế, quy định cho cán bộ mới để nhanh chóng tiếp cận với hoạt động giải quyết TTHC tại Trung tâm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện văn hóa văn minh công sở, thái độ giao tiếp, ứng xử với công dân, thực hiện quy trình giải quyết TTHC của đội ngũ cán bộ làm việc tại Trung tâm, đảm bảo theo đúng quy định.
Tại các trung tâm HCC cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đều thực hiện nghiêm các quy định vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đến giao dịch; đẩy mạnh rà soát TTHC. Các TTHC sau khi Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của ngành, đều được niêm yết công khai, kịp thời theo quy định. Quy trình giải quyết đối với từng TTHC mới ban hành, TTHC sửa đổi, bổ sung đều được cập nhật lên phần mềm một cửa điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Yên hướng dẫn người dân tham gia BHXH.
Đến nay, có 1.415 TTHC giải quyết tại Trung tâm PVHCC tỉnh. Trong đó 1.365 TTHC của các sở, ngành; 32 TTHC của Công an tỉnh; 18 TTHC của Công ty Điện lực Quảng Ninh. Số TTHC thực hiện theo nguyên tắc "5 tại chỗ" tại Trung tâm PVHCC tỉnh là 1030/1.365, đạt 75,5%; tại trung tâm HCC cấp huyện từ 90-100%; số TTHC còn lại thuộc các cơ quan ngành dọc trung ương và doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm PVHCC tỉnh đã giải quyết 27.503/28.861 hồ sơ tiếp nhận; trong đó 27.431 hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn, 15.580 hồ sơ (đạt 54%) tiếp nhận, giải quyết trực tuyến.
Hoạt động hỗ trợ tổ chức, công dân giải quyết TTHC được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm PVHCC tỉnh đã hướng dẫn kê khai hồ sơ TTHC cho 24.531 lượt tổ chức, công dân; tiếp nhận, xử lý 2.755 cuộc gọi hỗ trợ, tư vấn qua tổng đài 1900558826, nội dung chủ yếu: Cấp đổi thẻ căn cước công dân; chuyển nhượng quyền sử dụng đất cá nhân; cấp đổi giấy phép lái xe; cấp, đổi hộ chiếu...; 42.738 tin nhắn SMS tự động miễn phí thông báo tình trạng hồ sơ cho tổ chức, người dân về kết quả giải quyết hồ sơ; 13.487 hồ sơ được trả kết quả giải quyết qua đường bưu chính; cập nhật 9.525 kết quả giải quyết bằng chữ ký số lên trang dịch vụ công để tổ chức, người dân tra cứu...
Việc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị cũng được Trung tâm PVHCC tỉnh, trung tâm HCC cấp huyện quan tâm thực hiện. Qua 2.679 phiếu khảo sát, lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC tại Trung tâm PVHCC tỉnh, có 276 phiếu đánh giá hài lòng, 2.403 phiếu rất hài lòng; 2.610 phiếu đánh giá thái độ của cán bộ khi giao tiếp với công dân rất lịch sự, thân thiện, dễ gần; 69 phiếu đánh giá thái độ giao tiếp bình thường. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các bộ phận thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, ký phê duyệt các TTHC theo các quyết định ủy quyền.
Mặc dù vậy, một số sở, ngành chưa thường xuyên rà soát, chuẩn hóa, công bố kịp thời các TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý, thẩm quyền giải quyết của ngành ở 3 cấp chính quyền. Các TTHC liên thông chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong từng quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả, trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện; chưa quy định rõ thời hạn giải quyết ở từng cấp và của từng cơ quan tham gia. Cung cấp nội dung chi tiết, xây dựng quy trình giải quyết nội bộ đối với từng TTHC của một số sở, ngành thực hiện còn chậm. Tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn tổ chức, công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích kết quả còn hạn chế, còn hiện tượng đùn đẩy việc hướng dẫn công dân cho các bộ phận khác... Những tồn tại này cần được khắc phục sớm để tạo thông thoáng hơn nữa trong giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân.