Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: Người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) trong phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương mình và về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu CCHC của tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao năm 2021 và những năm tiếp theo. Phấn đấu năm 2021, Chỉ số CCHC của tỉnh đứng ở thứ hạng trung bình trong cả nước (từ thứ hạng 30-35/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và tiến đến đứng ở thứ hạng khá vào cuối giai đoạn 2021- 2025.
Theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Chủ động đề ra giải pháp chỉ đạo cụ thể và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC, không để Chủ tịch UBND tỉnh đôn đốc, nhắc nhở và giao nhiệm vụ nhiều lần.
Hằng năm, chủ động rà soát kết quả công bố Chỉ số CCHC của tỉnh, những lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần nào chưa đạt điểm so với điểm tối đa hoặc có kết quả thấp so với chỉ số trung bình khá của cả nước thuộc trách nhiệm tham mưu, thực hiện của cơ quan, đơn vị, địa phương mình để nghiên cứu khắc phục kịp thời và cải thiện trong những năm tiếp theo. Từ năm 2021 trở đi, tiêu chí thành phần nào trong Bộ chỉ số CCHC cấp tỉnh bị Hội đồng thẩm định Trung ương trừ điểm thì Thủ trưởng của cơ quan, địa phương trực tiếp tham mưu, thực hiện các tiêu chí, tiêu chí thành phần đó phải chịu trách nhiệm và gắn với việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm (trừ trường hợp do yếu tố khách quan).
Phấn đấu giảm tỷ lệ hồ sơ đất đai giải quyết trễ hẹn đối với hộ gia đình, cá nhân xuống dưới 5%
Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để xác định những văn bản đã hết hiệu lực thi hành, cần phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành văn bản mới thay thế cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc và xử lý kịp thời các văn bản có nội dung trái pháp luật, nhất là những văn bản có tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước và xã hội; đồng thời, kiểm điểm, xử lý và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 07/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh,…
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục có biện pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng hồ sơ tồn đọng, quá hạn nhiều, gây bức xúc cho người dân trong giải quyết các TTHC về đất đai. Yêu cầu đến năm 2022 phải giảm tỷ lệ hồ sơ đất đai giải quyết trễ hẹn đối với hộ gia đình, cá nhân xuống dưới 5%.
Thực hiện nghiêm túc việc sử dụng phần mềm Cổng dịch vụ công- Hệ thống thông tin một cửa điện tử
Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021, với mục tiêu là theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Qua đó, cắt giảm, đơn giản hóa việc thực hiện, tăng năng suất lao động, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
100% các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định việc sử dụng phần mềm Cổng dịch vụ công- Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để quản lý, công khai kịp thời toàn bộ hoạt động tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh; khắc phục tình trạng làm ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các địa phương và tổng số hồ sơ giải quyết đúng hạn của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc thao tác cập nhật trước (khống) trên phần mềm Hệ thống trong khi thực tế chưa xử lý xong hồ sơ TTHC,…
Tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính
Chủ tịch cũng yêu cầu, tiếp tục thực hiện một số biện pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính theo quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; kịp thời xử lý nghiêm công chức, viên chức làm việc cầm chừng, thoái thác trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất dẫn đến chất lượng và hiệu quả công việc thấp; trong giải quyết công việc cho tổ chức và công dân còn nhũng nhiễu, tiêu cực, trễ hẹn, phiền hà, chưa tuân thủ quy trình hoặc thiếu linh hoạt, hướng dẫn chưa tận tình, chu đáo.
Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ trong quá trình luân chuyển, điều động, sắp xếp và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng thiếu tiêu chuẩn mà vẫn được bổ nhiệm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển Chính quyền điện tử
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, giảm chi phí và thời gian giải quyết công việc, chú trọng xây dựng công dân điện tử.
Tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, sử dụng đồng bộ Cổng dịch vụ công- Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đến cấp xã; phải thực hiện đăng ký dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện các TTHC liên quan giữa các cơ quan nhà nước với nhau (đối với các TTHC đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến); cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với những lĩnh vực cần thiết, có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều, tần suất giao dịch lớn liên quan đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về mục tiêu, nhiệm vụ CCHC tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân để tạo động lực và sự đồng thuận trong xã hội về thực hiện công cuộc CCHC gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2021 - 2025.