Công tác cải cách hành chính ở Hà Nội: Để người dân thật sự hài lòng...

Thứ sáu, 08/01/2021 15:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Với nỗ lực đồng bộ từ thành phố tới cơ sở, công tác cải cách hành chính của Thủ đô thời gian qua đã từng bước đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Từ kết quả đó, thành phố phấn đấu năm 2021, mức độ hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%, tối thiểu 99% hồ sơ hành chính được trả kết quả đúng hạn, trước hạn… Hiện, nhiều đơn vị, địa phương đã khởi động bằng những việc làm cụ thể, góp sức vào mục tiêu chung của thành phố và để người dân thật sự hài lòng.

Năm 2021, thành phố Hà Nội đặt ra chỉ tiêu cao hơn trong công tác cải cách hành chính để mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” huyện Thanh Trì. Ảnh: Nguyễn Quang

Chia sẻ với người dân

Ông Vũ Quang Long (tổ dân phố số 7, phường Phúc La, quận Hà Đông) vừa nhận giấy khai sinh cho con, vui mừng bày tỏ: “Tôi rất vui, vì cùng với kết quả “3 trong 1”, gồm giấy khai sinh, đăng ký thường trú và thẻ bảo hiểm y tế, còn có Thư chúc mừng của Chủ tịch UBND phường”.

Chủ tịch UBND phường Phúc La Nguyễn Đức Tiến cho biết: “Nhiều năm qua, UBND phường vẫn duy trì việc gửi thư chúc mừng các trường hợp đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn. Phường cũng chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng giao tiếp của cán bộ bộ phận “một cửa”. Trong năm 2020, UBND phường đã tiếp nhận và giải quyết 8.737 hồ sơ, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn”.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa, để tạo thuận lợi cho người dân, từ quận đến phường đã nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đến nay, tại UBND quận, có 88,7% số thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian thực hiện so với quy định; con số này tại các phường là 90%. “Việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã tiết kiệm chi phí, giảm thời gian cho cá nhân, tổ chức và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của công dân”, bà Phạm Thị Hòa khẳng định.

Nhằm tăng sự tương tác giữa chính quyền với người dân, UBND huyện Chương Mỹ đã xây dựng trang “Chính quyền điện tử huyện Chương Mỹ” trên ứng dụng Zalo, kết nối với Cổng dịch vụ công thực hiện các phần việc: Nộp hồ sơ trực tuyến; trao đổi, hỏi đáp, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính; đánh giá mức độ hài lòng. Ngoài ra, trang này còn có một số tính năng như: Hỗ trợ trực tuyến đường dây nóng, thăm dò ý kiến khảo sát đối với người dân, tổ chức trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, sau 5 tháng hoạt động, trang tin thu hút hơn 2.000 người quan tâm; hỗ trợ trực tuyến và hỗ trợ thông qua đường dây nóng về thủ tục hành chính cho gần 500 người dân, tổ chức.

Tại quận Long Biên, trong năm 2020, quận tiếp tục duy trì những cách thức phục vụ người dân như: Trả kết quả tại nhà đối với một số thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp, lao động - thương binh và xã hội. Tinh thần này cũng được nhiều đơn vị như các sở: Giao thông - Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động - Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội thành phố… đẩy mạnh thực hiện.

Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh nhận định: “Chính sự nghiêm túc và ý thức sáng tạo trong quá trình triển khai nội dung cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị đã giúp thành phố Hà Nội hoàn thành 3/3 chỉ tiêu đề ra trước năm 2020. Trong đó, chỉ tiêu mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80% đã hoàn thành từ năm 2018”.

 

Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND phường Phúc La (quận Hà Đông) tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Hiền Chi

Phấn đấu mức độ hài lòng đạt tối thiểu 85%

Từ cuối tháng 12-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5743/QĐ-UBND (ngày 29-12-2020) về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2021. Theo đó, một số chỉ tiêu cụ thể là: Phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính của thành phố đạt tối thiểu 85%; tối thiểu 99% số hồ sơ được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn; 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nhận thức đầy đủ về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS)…

Đồng tình với quyết tâm của thành phố, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Võ Hồng Vinh cho biết: “Nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân, năm 2021 này, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện “Ngày không chờ”. Theo đó, mỗi tuần, phường sẽ có một ngày thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả luôn cho công dân”.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng tổng hợp và du lịch Thùy Anh (quận Nam Từ Liêm) Bùi Văn Thùy chia sẻ: “Tôi rất hy vọng thành phố sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra, bởi điều đó đồng nghĩa với việc giải quyết thủ tục hành chính thông thoáng, dễ dàng, đáp ứng sự mong đợi của người dân”.

Còn Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho hay, năm 2021, quận sẽ tăng cường sự giám sát của nhân dân trong việc thúc đẩy cải cách hành chính. Đồng thời, quận sẽ triển khai lấy ý kiến, khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Những việc làm cụ thể như tổ chức hội thảo đúc rút kinh nghiệm, đặt ra chỉ tiêu cao hơn, nhân rộng những cách làm mới ở cơ sở... cho thấy quyết tâm cải thiện chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index của thành phố Hà Nội, thúc đẩy sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong tiến trình thay đổi để mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Nguồn: Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)