Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: thanglong.chinhphu.vn
Tháo gỡ vướng mắc, sớm thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng
Phát biểu cuối phiên thảo luận về kinh tế-xã hội tại kỳ họp 15 HĐND Thành phố vào chiều 6/7, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tiếp thu, trao đổi làm rõ hơn ý kiến một số đại biểu về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; tình hình nợ đọng thuế trên địa bàn; công tác quy hoạch đô thị…
Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện yêu cầu của Thường trực HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã chỉ đạo trả lời đầy đủ 252 câu hỏi, kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp thứ mười một và 15 câu hỏi, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 15. Đồng thời, UBND Thành phố đã trả lời 28 câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND Thành phố trên các lĩnh vực kinh tế, quản lý đô thị, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội…
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Thành phố đã giãn hoãn 17.500 tỷ đồng, bằng 45% so với cả nước cho cộng đồng doanh nghiệp. Thành phố cũng đã chuyển 1.020 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ nghèo, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay phát triển sản xuất, đồng thời rà soát, đề xuất giãn hoãn tiền thuê, sử dụng đất cho các doanh nghiệp.
Đối với công tác xử lý nợ đọng thuế, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đang nợ đọng thuế hơn 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó có khoảng 15 nghìn tỷ đồng doanh nghiệp có khả năng trả nợ, Thành phố đã báo cáo đề xuất giảm, hoãn, cắt nợ cho các doanh nghiệp. Còn hơn 15 nghìn tỷ đồng các doanh nghiệp có nợ lâu năm, khó đòi, Thành phố đưa ra kế hoạch, giải pháp 4 bước để thu hồi nợ đọng thuế, nếu các doanh nghiệp không nộp, có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế và không cho triển khai các dự án mới.
Về vấn đề quy hoạch sông Hồng, Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, đã đề xuất phương án, trong đó đề nghị các bộ, ngành Trung ương ủy quyền cho Thành phố tiếp tục thực hiện quy hoạch phân lũ, khi thực hiện xong sẽ tiếp tục quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Vấn đề quan trọng của việc tháo gỡ vướng mắc là xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm cho gần 900.000 người dân dọc tuyến sông Hồng trên địa bàn Thành phố.
Liên quan đến công tác quy hoạch, Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trước đây HĐND Thành phố rà soát có 383 dự án chậm triển khai, nguyên nhân là sau khi sáp nhập địa giới hành chính Thành phố, các dự án này phải chờ quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thì mới lập được quy hoạch chi tiết. Trong 1 năm vừa qua, UBND đã giải tỏa được 64 dự án, riêng huyện Mê Linh đã giải quyết 29/47 dự án. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án.
Đề nghị tạm thời chưa điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Hà Nội năm 2020
Đưa ra một số dự báo về tình hình dịch bệnh và kinh tế thế giới, Chủ tịch UBND Thành phố đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực để bảo đảm chăm lo sức khỏe cho người dân, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác. Mọi nguồn lực của thành phố được cân đối để bảo đảm chế độ chính sách về an sinh xã hội.
Đồng thời, bảo đảm mọi điều kiện để công tác giáo dục đào tạo hoạt động bình thường, trong đó đầu tư nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, đưa giáo dục về công nghệ thông tin vào các trường phổ thông cơ sở, cơ cấu lại đào tạo lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng chuẩn bị mọi nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai, đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, Thành phố cũng rất coi trọng các nhiệm vụ bảo đảm, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiếp tục không cắt giảm các dự án đầu tư cho môi trường. Đối với dự án xử lý rác thải tại khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 12/2020 với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, đốt phát điện với công suất 75MW. Công trình xử lý nước thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) hiện vẫn bảo đảm tiến độ đến đầu năm 2022 sẽ hoàn thành, đồng thời Thành phố cũng đang tiến hành đấu thầu thu gom rác năm 2021 và những năm tiếp theo…
Thành phố cũng đưa ra một số nội dung nhằm bảo đảm nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế. Trong đó, coi trọng phát triển văn hóa, xem đây là “sức mạnh mềm” nhằm lan tỏa vị thế, giá trị nghìn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình” của Thủ đô ra thế giới.
Bên cạnh đó, tiếp tục coi trọng cải cách hành chính, tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường nội địa, thị trường mới và các thị trường Việt Nam vừa ký kết hiệp định thương mại.
Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh vốn đầu tư công, bảo đảm đủ nguồn lực cho các dự án, cơ cấu nguồn lực, ưu tiên cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội, hạ tầng giao thông.... Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, bảo đảm Nghị quyết đi ngay vào đời sống.
Song song với đó, Thành phố sẽ tập trung các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa bằng nhiều giải pháp như xây dựng chương trình, sự kiện văn hóa chào mừng 1010 năm Thăng Long, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao diễn ra trên Thành phố. Thành phố cũng đang đánh giá kỹ lưỡng, đàm phán với đơn vị nắm bản quyền để tiếp tục tổ chức giải đua F1 vào cuối tháng 11/2020, đồng thời tiếp tục chuẩn bị chương trình, dự án phục vụ Seagame 31 và Paragame 11.
Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, Thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể để triển khai các nội dung cam kết tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp điều hành tài chính để bảo đảm cân đối thu chi hợp lý.
Với giải pháp nêu trên, Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị HĐND Thành phố tạm thời chưa điều chỉnh các chỉ tiêu liên quan đến GRDP và các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố mà tiếp tục quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất.