Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Đây là ý kiến của ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng tại Hội nghị “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Những lợi ích dành cho doanh nghiệp”.
Ông Trương Gia Bình cho biết, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân sẽ vận động các doanh nghiệp tích cực thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG để Chính phủ và doanh nghiệp cùng tiến đến gần nhau hơn.
Xoay quanh chủ đề cải cách TTHC, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và phát triển Cổng DVCQG, đại diện các Hiệp hội: Doanh nghiệp dịch vụ Logisitcs Việt Nam, Dệt May Việt Nam, Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Nông nghiệp số Việt Nam, Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam… đều đánh giá cao tinh thần, nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Thủ tướng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng.
Để Chính phủ và doanh nghiệp cùng tiến lên
Đại diện các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, cải cách hành chính không thể bỏ qua 2 yếu tố là con người và công nghệ. Công nghệ được sử dụng để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm thiểu hạn chế về không gian và thời gian. Tuy nhiên, khi xác định cắt giảm thủ tục nào, giữ lại thủ tục nào thì con người là quyết định. Vì vậy, trong quá trình thực thi, yếu tố con người là rất quan trọng.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Việt Nam đang hiện thực hóa 2 khía cạnh này cùng một lúc. Chính phủ đã thực hiện rất tốt trong 4 năm trở lại đây. Đặc biệt, các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh là những lĩnh vực cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Đối với Cổng DVCQG, qua thu thập một số phản ánh, kiến nghị của các thành viên, EuroCham nhận thấy còn một số vướng mắc, nhất là việc áp dụng nhất quán với các địa phương.
Ông Minh lấy ví dụ về dịch vụ thông báo chương trình khuyến mại, đây là một dịch vụ nhiều doanh nghiệp sử dụng. Thay vì phải nộp hồ sơ giấy, thay vì truy cập Cổng dịch vụ công từng tỉnh, địa phương thì doanh nghiệp chỉ cần vào Cổng DVCQG. Tuy nhiên, thực tế một số tỉnh, thành, địa phương vẫn yêu cầu phải có hồ sơ giấy. Một số địa phương khuyên doanh nghiệp dùng trực tiếp vào Cổng dịch vụ công của tỉnh vì "công chức quen với giao diện đó hơn".
Ông Minh bày tỏ băn khoăn về cơ chế áp dụng nhất quán, yêu cầu sử dụng bắt buộc, hay có tình trạng thực hiện thủ tục hải quan điện tử nhưng những hồ sơ kèm theo vẫn phải in ra đóng dấu.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam lại bày tỏ băn khoăn về sử dụng chữ ký số trên Cổng DVCQG. Bởi về nguyên tắc chỉ cần 1 chữ ký số nhưng thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp phải dùng nhiều chữ ký số để sử dụng các dịch vụ khác nhau như thuế, bảo hiểm xã hội…
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logisitcs Việt Nam đề nghị tăng cường tuyên truyền cho doanh nghiệp hiểu biết về Cổng DVCQG cũng như cung cấp, triển khai nhiều hơn các dịch vụ liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu.
Sẽ xuống tận nơi kiểm tra
Trả lời những thắc mắc của doanh nghiệp tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với 41.000 lượt xem trực tuyến Hội nghị “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp” trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, 16.000 lượt xem trên fanpage Báo điện tử Vnexpress đã cho thấy số lượng doanh nghiệp, người dân quan tâm đến những lợi ích mang lại từ Cổng DVCQG là rất lớn.
“Không lý do gì Cổng DVCQG mang lại nhiều lợi ích vậy mà doanh nghiệp lại không thực hiện. Đây là quyền lợi của doanh nghiệp, nếu không thực hiện thì doanh nghiệp sẽ mất quyền lợi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết sẽ xuống tận nơi để kiểm tra phản ánh của doanh nghiệp về việc có nơi vừa nhận văn bản điện tử vừa nhận văn bản giấy.
“Rất mong doanh nghiệp nhắn cho chúng tôi địa chỉ. Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay lập tức và công khai với báo chí”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, trong thực tiễn, có trường hợp đặt thêm các quy định làm khó cho doanh nghiệp, vì vậy, Cổng DVCQG đã thiết kế kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị cũng như đánh giá mức độ hài lòng, kênh theo dõi giám sát quá trình thực hiện thủ tục.
“Thời gian đầu, đối với dịch vụ thông báo khuyến mại, nhiều địa phương cũng yêu cầu phải nộp thêm hồ sơ giấy. Tuy nhiên, nắm bắt được tình hình, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã trực tiếp có công văn chấn chỉnh, đến nay về cơ bản đã không xuất hiện tình trạng này”, ông Ngô Hải Phan cho biết.
Ông Ngô Hải Phan bày tỏ mong muốn sự vào cuộc của doanh nghiệp, nói ra tiếng nói về hành vi không đúng của cán bộ, công chức để Chính phủ và doanh nghiệp cùng vượt qua những rào cản, vướng mắc.
Đối với vấn đề an ninh, an toàn bảo mật thông tin, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi xây dựng Cổng DVCQG, VPCP và các bộ ngành, đơn vị đã đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế. Trong quá trình vận hành, vấn đề an toàn hệ thống, dữ liệu cũng luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho biết, các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu đã được Ban Thư ký, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC tổng hợp đầy đủ.
Các ý kiến này sẽ là cơ sở để chuyển đến các đơn vị chức năng nghiên cứu, cải tiến, hoàn thiện Cổng DVCQG trong thời gian tới nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là: “Để Cổng DVCQG trở thành kênh giao tiếp điện tử hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, là điểm để người dân, doanh nghiệp tương tác với Chính phủ trên môi trường điện tử”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, VPCP sẽ tiếp tục chủ trì, cùng các cơ quan, đơn vị triển khai các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, đồng hành của doanh nghiệp, của các bộ, cơ quan, các nhà tài trợ trong việc triển khai Cổng DVCQG.