Sức hút mạnh mẽ từ sự năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao thương của các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và một số tỉnh lân cận đã kéo theo sự chuyển dịch dân cư làm gia tăng nhanh dân số, tạo áp lực lớn đến công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhiều địa phương đã có cách làm phù hợp thực tế, tạo đột phá trong cải cách hành chính (CCHC) gắn với tinh gọn bộ máy nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) ngày càng tốt hơn.
Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương bố trí đầy đủ máy tính để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc giao dịch.
Bài 1: Những cách làm hiệu quả
Để thích ứng, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế, nhiều địa phương khu vực phía nam chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch gắn kết chặt chẽ giữa công tác CCHC với tinh gọn bộ máy. Những cách làm hay, mô hình mới hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều…
Thích ứng, phù hợp với thực tế
Những ngày này, Trung tâm Hành chính công TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đặt ra mục tiêu thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ: triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông suốt cho người dân, DN. Theo Trưởng phòng Nội vụ TP Thủ Dầu Một Lê Thị Minh Tâm, địa phương giảm đến mức thấp nhất số người làm việc tại Trung tâm Hành chính công (HCC) nhưng vẫn bố trí luân phiên từ bốn đến năm quầy, có đủ cán bộ, công chức để tiếp nhận hồ sơ, phối hợp cùng cán bộ, công chức làm việc tại nhà giải quyết ổn thỏa, đúng hạn các TTHC cho người dân, DN. Khuyến khích người dân, DN sử dụng dịch vụ HCC trực tuyến, đường bưu điện để nhận và trả kết quả; cán bộ, công chức linh động hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra TTHC qua điện thoại, thư điện tử (email) trước khi người dân, DN đến giao dịch tại Trung tâm phục vụ HCC.
Tại tòa nhà Trung tâm Hành chính công của tỉnh, tất cả các TTHC đều thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và kết nối với cấp huyện, cấp xã để giải quyết nhanh, gọn những vấn đề liên quan. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: “Chúng tôi có phần mềm riêng biệt để kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết TTHC của các sở, ngành, huyện, thị xã từ “đầu vào” cho đến kết quả thực hiện một cách công khai, minh bạch. Nhờ đó, kết quả giải quyết TTHC cho người dân, DN của các đơn vị, địa phương như thế nào đều được mọi người biết rõ; nếu chưa tốt, sẽ được chấn chỉnh, xử lý ngay”.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC cũng được TP Hồ Chí Minh chú trọng trong nhiều năm qua. Theo Sở Nội vụ thành phố, tính đến cuối tháng 3-2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn đạt 668 trong tổng số 1.786 TTHC, trong đó mức độ 3 hơn 430 thủ tục, mức độ 4 khoảng 230 thủ tục. Nhờ nền tảng này, các đơn vị, địa phương vừa thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, vừa không ách tắc trong việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, DN.
Hiện, bình quân mỗi ngày, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh nhận khoảng 1.500 hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư qua mạng nhờ triển khai dịch vụ đăng ký kinh doanh tại nhà, trả kết quả qua bưu điện. Bình thường, để thực hiện ba thủ tục: Đăng ký thành lập DN, thông báo mẫu con dấu, đăng ký thông tin thuế cần ít nhất 12 ngày làm việc và sáu lần đi lại để hoàn thành, nhưng khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì thời gian hoàn tất các thủ tục trên giảm đến 88% so với quy định và nhận kết quả tại nhà qua bưu điện.
Tại quận Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh), các phường lập tổ phản ứng nhanh để tiếp nhận thông tin qua điện thoại, mail, ứng dụng zalo, cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến rồi hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ cần thiết, sau đó đến tận nhà dân lấy hồ sơ và chuyển đến những bộ phận liên quan để xử lý một cách nhanh chóng nhất; kết quả được trả tận nhà cho người dân.
TP Biên Hòa (Đồng Nai) là đơn vị cấp huyện có quy mô dân số lớn nhất cả nước hiện nay với khoảng 1,2 triệu người nên lượng giải quyết TTHC hằng ngày rất lớn. Trong năm 2019, toàn thành phố tiếp nhận gần 73 nghìn hồ sơ, trong đó tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt hơn 93%. Hiện, TP Biên Hòa đã triển khai tiếp nhận và giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông với 49 lĩnh vực, 320 TTHC. Chủ tịch UBND thành phố Phạm Anh Dũng cho biết, chính quyền thành phố và các phường, xã thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là tại bộ phận một cửa của thành phố và 30 phường, xã, nhằm bảo đảm tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn.
Gần dân, hiểu dân, phục vụ dân
Đời sống xã hội vận động, phát triển không ngừng, trong đó có không ít vấn đề bức xúc của người dân cần được giải quyết kịp thời, phù hợp. Thực tế ấy đòi hỏi từng cán bộ, công chức phải luôn gần dân, hiểu dân để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Đó cũng là vấn đề mà lãnh đạo nhiều địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Thanh Phong cho biết, để kịp thời tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân, DN ở mọi lĩnh vực, từ năm 2017, tỉnh đã hình thành, vận hành đường dây nóng “Lãnh đạo tỉnh”. Các kiến nghị của người dân được tiếp nhận sẽ chuyển đến các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết. Năm 2019, đường dây nóng “Lãnh đạo tỉnh” đã tiếp nhận 2.524 lượt thông tin và đã chuyển đến các cơ quan, đơn vị giải quyết kịp thời. Tỉnh còn thiết lập đường dây nóng CCHC tiếp nhận những kiến nghị của người dân, DN về những vướng mắc trong giải quyết TTHC. Năm 2019, đường dây nóng CCHC đã tiếp nhận và giải quyết 56 kiến nghị của người dân, DN. Các sở, ngành, địa phương của tỉnh đều công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để kịp thời tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết.
Từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm HCC tỉnh Bình Thuận tiếp nhận và giải quyết các TTHC thuộc lĩnh vực thủy sản từ Chi cục Thủy sản tỉnh. Trong quá trình thực hiện đã phát sinh khó khăn, trở ngại, tốn nhiều thời gian cho ngư dân. Trước thực tế này, tháng 8-2018, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo triển khai tiếp nhận hồ sơ của ngư dân trực tiếp tại các địa phương và giao bưu điện chuyển đến Trung tâm HCC tỉnh. Theo đó, ngư dân được quyền chọn nộp hồ sơ, nhận kết quả tại các địa bàn cơ sở, hoặc tại bưu điện địa phương. Trung tâm HCC tỉnh chuyển thủ tục cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá cho Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (thuộc Chi cục Thủy sản) trực tiếp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả. Nhờ đó, việc hoàn tất giải quyết thủ tục này chỉ trong nửa buổi, chậm nhất là dưới ba ngày. Từ tháng 8-2018 đến nay, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá đã thực hiện đăng kiểm, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho gần 6.000 tàu cá trong tỉnh.
Ông Nguyễn Tấn Nguyên, chủ tàu cá BTh 98289TS, công suất 827 CV ở thị xã La Gi (Bình Thuận) cho biết, việc nộp hồ sơ đăng kiểm trực tiếp cho Trung tâm Đăng kiểm tàu cá rất thuận lợi cho ngư dân; thời gian cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật được rút ngắn nhiều, kinh phí giảm đáng kể, quan trọng hơn là giúp ngư dân chủ động được thời gian, ra khơi đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao...
Theo Nhân dân điện tử