Hưng Yên đẩy mạnh cải cách hành chính thu hút đầu tư

Thứ sáu, 11/10/2019 11:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp, thời gian qua, Hưng Yên đã đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều phương diện. Nhờ quyết tâm cao và hành động quyết liệt, tỉnh đã đạt kết quả bước đầu khá tích cực, góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư tại địa phương.

Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hưng Yên.

Tạo đột phá

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hưng Yên hiện đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với TTHC của 15 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cùng một số cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Trần Văn Thắng khẳng định: Trung tâm hoạt động với mục tiêu lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, tạo bước đột phá trong công tác cải cách TTHC của tỉnh, thể hiện qua thái độ tích cực, cởi mở của chính quyền tỉnh đối với DN và khả năng phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết công việc liên quan đến phục vụ DN. Thông qua hoạt động của trung tâm, các TTHC được công khai, minh bạch. Việc tiếp nhận, giải quyết các TTHC được giám sát, kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nhất quán nhằm bảo đảm tiến độ, đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thời gian, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trong những năm qua, UBND tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh công bố, công khai các TTHC nhằm minh bạch hóa công tác điều hành, quản lý kinh tế, cũng như các thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách và các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành, của tỉnh để phục vụ người dân, DN. Sáu tháng đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành 17 quyết định công bố danh mục TTHC với tổng số 614 TTHC được công bố để áp dụng trên địa bàn. Số TTHC đã công bố được Văn phòng UBND tỉnh tích hợp dữ liệu và nhập sửa đổi, bổ sung các thông tin liên quan đến thời gian, địa điểm thực hiện, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đã thực hiện công khai đầy đủ, kịp thời các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan và trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC, xây dựng các phương án liên thông giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành một số quyết định thông qua phương án đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực quy hoạch xây dựng... gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để đề nghị xem xét, xử lý theo quy định. Các cơ quan của tỉnh Hưng Yên đã có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giúp DN, người dân giảm sức ép thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Trưởng ban quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hưng Yên Phạm Thái Sơn cho biết: Ban quản lý rất coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các DN. Trung tâm dịch vụ và hỗ trợ đầu tư KCN trực thuộc ban đã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp như: Giới thiệu môi trường đầu tư và các vấn đề liên quan; cung cấp dịch vụ, tư vấn đầu tư; hỗ trợ tư vấn cho DN về các vấn đề liên quan thủ tục pháp lý, quy định của pháp luật ở nhiều lĩnh vực… Điển hình, việc thành lập, duy trì hoạt động Ban hỗ trợ DN Nhật Bản đã giúp hàng chục DN Nhật Bản đầu tư, làm ăn hiệu quả ở Hưng Yên. Đồng thời, ban thực hiện liên thông với Phòng Đăng ký kinh doanh, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài xuống còn ba ngày, giảm 15 ngày làm việc so với quy định. Thực hiện rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết từ 30% đến 50% các thủ tục thuộc lĩnh vực đầu tư, quy hoạch xây dựng và bảo vệ môi trường… Áp dụng hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử và hệ thống thông tin một cửa điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 đối với hơn 60% số TTHC thuộc thẩm quyền.

Việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ dịch vụ công của các cơ quan tỉnh Hưng Yên đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Chín tháng năm 2019, Hưng Yên đã tiếp nhận 80 dự án đầu tư, nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.896 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 132 nghìn tỷ đồng và gần 5 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án công nghệ cao, giá trị sản xuất lớn đi vào hoạt động như: sản xuất thiết bị vệ sinh và các phụ kiện của Công ty TNHH Toto Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 281 triệu USD; nhà máy sản xuất bảng mạch in dùng cho các thiết bị điện tử của Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD; nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.600 tỷ đồng; nhà máy tôn mạ màu của Công ty TNHH một thành viên Hòa Phát với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.400 tỷ đồng...

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Theo một số nhà đầu tư, môi trường đầu tư ở tỉnh Hưng Yên đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng. Một số trường hợp còn thiếu mặt bằng sạch để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư. Tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng ở một số KCN chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN chậm; chỉ số tiếp cận đất đai, đào tạo lao động sụt giảm… Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phú cho biết, việc giải phóng mặt bằng có nơi, có lúc còn khó khăn là do mật độ dân cư cao, bình quân ruộng đất trên đầu người thấp (khoảng hơn một sào (360 m2)/khẩu, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp khá cao cho nên người nông dân rất gắn bó với đất. Hơn nữa, việc giao đất cho một số DN còn gặp vướng mắc về cơ chế giữa các luật còn chồng chéo. Cụ thể, Luật Đất đai chưa quy định rõ đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu thì có phải đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai không? Hay Luật Đất đai quy định điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất là đất đã giải phóng mặt bằng, trong khi nguồn lực của các địa phương rất hạn chế, không có đủ kinh phí để làm công tác này, cho nên không thể thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Và khi chủ đầu tư ứng tiền để thực hiện giải phóng mặt bằng thì Luật Đất đai cũng không có quy định giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu dự án được sử dụng phần đất này, dẫn đến các địa phương lúng túng, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án…

Trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã giải phóng mặt bằng được hơn 2.500 ha đất, giao cho các dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đến nay, có gần 1.000 dự án đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, Hưng Yên tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ: rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là việc lập quy hoạch và trình Chính phủ phê duyệt KCN và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt rộng khoảng 3.000 ha vào quy hoạch tổng thể các KCN của tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động phục vụ tốt nhất cho người dân và DN. Khuyến khích các sáng kiến, cải tiến rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa TTHC. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4) trong công tác tiếp nhận, xử lý các hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức, nhất là các hồ sơ trong lĩnh vực hợp tác đầu tư. Theo dõi, giám sát việc giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị để kịp thời đôn đốc, bảo đảm tiến độ, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc giải quyết TTHC cho người dân và DN. Đồng thời, tạo thuận lợi, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giao cho từng sở, ngành các chỉ số, mục tiêu cụ thể, nhất là những chỉ số còn yếu kém như: chỉ số về tiếp cận đất, đai, chỉ số về lao động… Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phối hợp các bộ, ngành trung ương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực thi những quy định của pháp luật liên quan đến đất đai. Thực hiện cơ chế phối hợp, gắn kết giữa DN với các trường đại học, trung tâm đào tạo nghề, cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo nghề gắn với DN nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu lao động của các DN. Hỗ trợ, khuyến khích các DN đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)